Thái tử người trong giang hồ

     
Tìm kiếm cho:Bài viết mớiBình luận mới nhất

Tôi từng viết nhiều về nhiều nhân vật của “Người trong giang hồ”, dù viết về Trần Hạo Nam, Đầu Bự, Y Kiện hay Tưởng Thiên Sinh, tôi đều nhắc đến Chó Xám; nhưng lại chưa bao giờ viết riêng cho mình Chó Xám. Tôi rất thích nhân vật này, nhưng viết về Chó Xám thì lại rất khó, vì hắn chỉ đại diện cho một loại hình nhân vật làm nền cho cốt truyện, hay nói dễ nghe hơn Chó Xám là đại diện mẫu nhân vật được ví như những tấm khiên che chắn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho huynh đệ, cho chủ tướng và cho lý tưởng cả cuộc đời họ theo đuổi. 

Nếu Hồng Môn Hong Kong loan truyền Nhân (Lập Hoa Chánh Nhân), Nghĩa (Đại Phi), Trí (Trần Hạo Nam), Dũng (Thái Tử) thì Chó Xám xứng đáng với chữ “Trung”. Hắn trung thành với đại ca của mình đến hơi thở cuối cùng, trung thành với lý tưởng của cuộc đời hắn đề ra. Hắn là một tên lưu manh điển hình: mồ côi từ nhỏ, bị người đời khinh ghét, dùng nắm đấm để sinh tồn trong đáy cùng của xã hội. Nhưng ở Chó Xám lại có một cái gì đó rất ngay thẳng, không giống với những tên lưu manh lươn lẹo khác lăn lộn sinh tồn. Hắn không mưu hèn kế bẩn, không thâm hiểm, không toan tính; hắn chỉ biết dùng nắm đấm để giải quyết mọi việc.

Bạn đang xem: Thái tử người trong giang hồ

Nửa cuộc đời trước hắn bị người đời khinh ghét vì ngoại hình xấu xí, vì xuất thân thấp kém, nửa cuộc đời sau người giang hồ nhắc đến hắn với tư cách của một gã hán tử có thực lực nhất của Hồng Hưng Đả Tử. Chó Xám đã chịu biết bao nhiêu tủi nhục, lăn lộn qua bao nhiêu trận đòn, cố gắng gấp bao nhiêu lần người bình thường để có được sự công nhận này?
Ừ thì Y Kiện mới là Hồng Hưng Đả Tử Vương. Nhưng có lẽ Chó Xám chẳng cần một danh hiệu nào hết, đối với hắn chỉ cần có Trần Hạo Nam và Hồng Hưng. Chỉ cần Nam Ca nói một tiếng, hắn sẽ là kẻ đầu tiên mang tính mạng ra, chỉ cần bang hội có chuyện, hắn cũng sẽ xung phong lao vào dầu sôi lửa bỏng mà không một cái nhíu mày.

Ừ thì hắn chuyện gì cũng không hiểu, luôn suy nghĩ mọi thứ đơn giản. Nhưng chính hắn phân biệt phải trái đúng sai giữa khúc mắc đại ca cũ của hắn và Trần Hạo Nam. Mặc cho Quỷ Cước Thất đàm tiếu, hắn nói như chém đinh chặt sắt: hắn tin vào Trần Hạo Nam. Hắn biết đại ca cũ lợi dụng hắn nhưng hắn vẫn tôn trọng hai chữ “đại ca”, trận đấu đầu tiên khi làm Chưởng Đà Nhân hắn thách đấu với Trần Hạo Nam, để thay đại ca cũ của hắn làm một việc cuối cùng. Hắn ngay thẳng chứ không ngu ngốc.

Trận Hỏa Thạch Châu ngàn người chém giết, hắn lăn xả khắp chiến trường như một cái chong chóng: Cô Cô Tử bên Đại Phi gặp nguy hắn lao đến cứu, Hàn Tân bị vây hắn cũng có mặt kịp thời bảo vệ, hắn nhịn đau đâm chết Trường Tam kẻ có thực lực mạnh nhất Thủy Linh Thập Kiệt, hắn là kẻ đầu tiên chém đầu Bôn Lôi Hổ Diệu Dương, hắn khiến Trần Diệu từ xa phải vỗ đùi “Thằng Chó giỏi thật. A Nam đúng là không nhìn sai người”. Hắn toàn thân là vết thương đẫm máu, nhưng hắn chỉ cười xòa “Có thêm mấy trận Hỏa Thạch Châu nữa cũng không thành vấn đề”. Hắn là kẻ dù đổ máu cũng không đổ lệ.

Thế mà đã có lúc hắn khóc. Khi Trần Hạo Nam liều mạng đánh với Thái Tử ở bờ biển, hắn đứng chứng kiến, hắn ước gì Nam Ca của hắn gục ngã bất tỉnh, hắn giá như người đang chịu đòn là hắn, hắn xúc động bật khóc khi đại ca hắn nói “Tao dùng cách của mày để thắng Thái Tử”. Cuộc đời hắn từ giây phút đó sống vì Trần Hạo Nam. Trần Hạo Nam là lý tưởng của cuộc đời hắn, người duy nhất coi trọng hắn, nâng đỡ hắn, mạng của hắn đền cho Nam Ca là tâm nguyện của hắn.

Trần Hạo Nam có biết bao nhiêu đàn em có số má nhưng tin tưởng nhất vẫn là Chó Xám vì hắn vừa trung thành và vừa có khả năng. Chỉ có Chó Xám mới trong rừng gươm mưa đạn, lội máu cõng Trần Hạo Nam thoát ra khỏi vòng vây của đàn em A Dạ. “Nam Ca, cố lên. Thằng Chó đến cứu anh đây…” Câu nói đó của hắn khiến tôi nhớ mãi, nó đơn giản mà chân thành như chính con người hắn vậy.

Có một chi tiết nhỏ ít người để ý thế này: Gà Rừng cả đời luôn ganh tỵ với đại ca cũ Trần Hạo Nam, Trần Hạo Nam có những thứ cả đời Gà Rừng cũng không có, một trong số đó là đàn em trung thành, điển hình là Chó Xám. Điều kiện đầu tiên khi Gà Rừng đàm phán với Trần Hạo Nam về vụ án A Dạ, hắn bảo phải giao ra khu Bắc Giác của Chó Xám mặc dù khu vực đó vốn khỉ ho cò gáy chả có tiềm lực gì đáng kể, vì…hắn “ghét thằng chó”. Chó Xám làm gì để Gà Rừng ghét chứ? Đơn giản trong tất cả đàn em lúc đó của Trần Hạo Nam, Chó Xám là kẻ trung thành nhất và có thực lực mạnh nhất.

Chó Xám sống để chiến đấu, ngoại hiệu của hắn cũng y như con người hắn – chó xám. Chó là loài vật trung thành bậc nhất, kẻ nào đụng đến chủ, nó cắn chặt không buông. Ngưu Lão rất hay dùng câu châm ngôn “Chó săn chôn trên núi” chỉ những kẻ sinh nghề tử nghiệp, tướng quân sẽ chết nơi sa trường, sống vì chiến đấu chết cũng vì chiến đấu. Chó Xám cuối cùng cũng trận vong…

Phúc Điền người rất đông.

Đại Thiên Nhị đã nằm xuống, xung quanh loang lổ máu, vòng vây Độc Xà Bang càng lúc càng dày đặc. Chó Xám nghiến răng mở đường máu, bảo vệ Đại Phi gần mình nhất. Hắn chém giết đến mỏi tay, đối thủ quá nhiều, hắn gần như không có thời gian để thở. Trần Hạo Nam vẫn ở quá xa, Chó Xám càng lúc càng sốt ruột.

Máu vẫn đổ.

Sơn Hạ Trung Tú tử trận. Gà Rừng cười ngạo nghễ. Trần Hạo Nam càng lúc càng nguy cấp. Đã bao nhiêu lần Chó Xám vào sinh ra tử cứu Nam Ca của hắn rồi, lần này hắn thất bại ư? Hắn không can tâm. Hắn liếc nhìn Đại Phi, cả hai khẽ gật đầu, một lần nữa hợp lực tác chiến, liên minh Độc Xà – Đông Anh bị đánh dạt ra một góc.

Máu càng lúc càng đổ nhiều.

Sinh Phiên hình như nằm xuống rồi, ở phía xa quá, Chó Xám không nhìn rõ. Thái Tử hình như cũng đang bị Địa Trung Hải và thành viên Độc Xà vây kín. Hắn không nghĩ ngợi được gì nữa. Hình như hắn bắt đầu mệt rồi, hắn có cảm giác đau đớn rồi thì phải? Chó Xám cắn chặt răng, hắn phải cố, qua đợt này thôi, hắn sẽ đến được chỗ Nam Ca.

Tiếng thét chói tai. Máu vẫn chưa ngừng đổ.

Thái Tử hiên ngang như ngọn núi cũng đổ xuống rồi. Lần này Chó Xám nhìn thấy rõ, cả kẻ mạnh nhất bên mình Thái Tử cũng kiệt sức hy sinh rồi, bản thân mình còn chịu được bao lâu? Nhưng Nam Ca vẫn còn sống. Chó Xám lại một lần nữa đột phá vòng vây. Lần này hắn đón đầu Địa Trung Hải, ở bên cạnh là Đại Phi hỗ trợ. Hai kẻ liều chết dồn Địa Trung Hải đến luống cuống tay chân, thì ra kẻ vô địch cũng có lúc phải khốn đốn đến thế. Nhưng Địa Trung Hải dùng sức không được, hắn lại chơi chiêu, hắn lao về phía Trần Hạo Nam đang kiệt sức, thế trận Đại Phi – Chó Xám đang liên thủ kín kẽ tự động tan vỡ. Đại Phi bị một dao kiệt sức, ngã xuống.

Chó Xám chạy đà.

Hắn dùng hết sức bình sinh, mượn xác Đại Phi tung người thật cao, một đòn bổ xuống kết liễu Địa Trung Hải như năm xưa hắn chém đầu Diệu Dương, giết Thần Tiên Khả, rồi hắn sẽ đến chỗ Nam Ca cõng Nam Ca ra khỏi đây.

Một đường cầu vồng xuất hiện giữa sắc trời ảm đạm, một lưỡi đao sắc lạnh lướt qua, và máu lại đổ. Trong cái sát na ấy, những ký ức cuộc đời Chó Xám ùa về như một thước phim quay chậm. Địa Trung Hải đâu? Chó Xám không nhìn thấy nữa.

Tám người bị vây bởi hơn 2000 người, chuyện cổ tích đã không thể xảy ra. Phúc Điền là trận chiến cuối cùng của Chó Xám, hắn cuối cùng cũng chết vì Nam Ca của hắn, vì lý tưởng cuộc đời hắn. Hắn có mãn nguyện không? “Chó săn chôn trên núi” muôn đời là một cái kết bi tráng.

Xem thêm: Những Bộ Phim Hàn Lãng Mạn Nhất Định Nên Xem Một Lần, 60+ Bộ Phim Hàn Quốc Hay Nhất Mọi Thời Đại



Đại Đầu Tử Dương Thiêm có lẽ là một nhân vật hiếm hoi trong thế giới giang hồ của “Cổ Hoặc Tử” bị đẩy vào làm dân ra chơi chứ bản thân không muốn. Dương Thiêm vốn không thích hợp làm người của giang hồ nhưng hắn hai lần trở thành người giang hồ. Nếu nói số phận của Đầu Bự sinh ra thuộc về giang hồ thì có lẽ số phận đó thật bi thảm. Thái Tử, Chó Xám hay Y Kiện…hay bất cứ một mãnh nhân giang hồ nào khác khi bước chân con đường này họ đã tự nguyện không quay đầu, giống như một câu tâm đắc của Đại Phi “Đã ra chơi thì coi như bước một chân vào quan tài”. Tóm lại, dân anh chị hôm nay chém người ta, ngày mai bị người ta chém là điều bình thường, cái chết lúc nào cũng có thể đến. Nhưng Đầu Bự thì lại khác, hắn là một giống loài đặc biệt.

Thời trẻ Đầu Bự theo Trần Hạo Nam, hắn thần tượng và nể phục Trần Hạo Nam đến nỗi học tập phong cách, ăn mặc đến để kiểu đầu giống y xì Nam Ca. Sau này trải qua những năm tháng trong tù, Đầu Bự cạo trọc đầu, thay đổi biệt danh Quỷ Tử Thiêm thành Đầu Bự, hoàn toàn cắt đứt với giang hồ, làm một người hoàn toàn mới. Hắn đã an phận làm một người bình thường nhưng cuộc đời không cho hắn quay đầu. Bà ngoại là người thân nhất của hắn bị giết chết, hắn bị dồn vào đường cùng, hắn biết hắn chỉ còn lại vị đại ca năm xưa là chỗ dựa duy nhất. Hắn lại theo Nam Ca làm một đàn em trung thành, đi đánh thiên hạ cho A Đại của hắn. Khi Trần Hạo Nam bị Thủy Linh bắt sống, treo xác (giả) lên cao rồi đốt cháy, hắn cùng Hạt Tiêu là người đầu tiên mặc kệ một rừng mưa đạn lao đến nhặt xác đại ca. Đầu Bự đại loại là người có nghĩa khí và dũng cảm như vậy nhưng hắn vẫn không phải là người phù hợp với giang hồ.

Hắn có tố chất võ lực vượt xa thế hệ, thậm chí thời điểm đó hắn còn đã vượt Trần Hạo Nam, đánh thắng Cầm Long Hổ kẻ được coi có sức mạnh nhất trong Đông Anh Ngũ Hổ. Hắn tiến bộ vượt bậc, ban đầu chính Trần Hạo Nam phải dạy hắn từng động tác cơ bản, chỉ thời gian ngắn tập với Thái Tử hắn trở thành tay đấm vàng của Hồng Hưng đả tử. Đầu Bự có tố chất đánh nhau như thế nhưng hắn vẫn không phải là người phù hợp với giang hồ.

Nói về thanh danh hắn càng có uy tín, dù chỉ là đàn em dưới quyền Trần Hạo Nam vịnh Đồng La. Nhưng nếu bảo Tưởng Thiên Sinh chỉ ra một đàn em đắc lực nhất của Trần Hạo Nam (đến cả sau này khi Đầu Bự chết) ông ta có lẽ chọn ra ngay Đầu Bự. Chính hắn mới được Long Đầu Hồng Hưng chọn làm vệ sĩ bảo vệ Dung Dung. Cũng chính hắn là người được chọn làm Chưởng Đà Nhân Đồn Môn (sau đó Đầu Bự nhường cho Đại Thiên Nhị ra ứng cử).Mọi người có nhớ chi tiết khi Thái Tử thúc đẩy 12 Chưởng Đà Nhân đòi Tưởng Thiên Sinh cho đánh trận Hỏa Thạch Châu, lão Tưởng có chất vấn Thái Tử tại sao phải chơi tận đến thế? Thái Tử nói để trả thù cho các anh em đã chết. “Anh em đã chết” ở đây là ai? Thật ra Diệu Dương hại chết đáng kể nhất là Lập Hoa Chánh Nhân và Đầu Bự, Lập Hoa dù thân với Hồng Hưng nhưng vẫn không phải là người Hồng Hưng, Thái Tử rõ ràng là đang nói đến cái chết Đầu Bự, vì chỉ có Đầu Bự mới đáng để Tưởng Thiên Sinh để tâm. Đầu Bự có tên tuổi số má như thế nhưng rốt cuộc hắn vẫn không phù hợp là người trong giang hồ.

Trần Hạo Nam theo thời gian càng thay đổi tâm tính, trở nên hiểm độc với kẻ thù. Đầu Bự giật mình, hắn biết ở trong giang hồ không thể có sự mềm yếu đàn bà. Hắn xa lánh Nam Ca, kết thân với Thái Tử hơn nhưng hắn cũng lại nhận ra Thái Tử tuy ngay thẳng không hiểm độc nhưng lại bá khí ngút trời, chuyên đi đánh kẻ khác, kẻ nào đụng đến Thái Tử đều bị trả đòn thảm hại. Đối với một kẻ “người không đụng vào ta, ta không đụng vào người” như Đầu Bự, hắn biết thế giới giang hồ là một nơi không dành cho hắn.

Trong cõi u minh xem ra đều có bàn tay của Ngưu Lão sắp đặt, trên đường đến nơi hẹn gặp Trần Hạo Nam lần cuối để từ biệt rút khỏi giang hồ, Đầu Bự gặp Chó Xám, đó là một sự chuyển giao thế hệ đầy xúc cảm. Trần Hạo Nam vì chuyện Chó Xám lên chức Chưởng Đà Nhân Bắc Giác mà lỡ cuộc hẹn đó với Đầu Bự, còn Đầu Bự vì không gặp được Trần Hạo Nam mà ba con hổ Đông Anh kịp mai phục truy sát. Sau này ở trận Hỏa Thạch Châu khi Diệu Dương chạy đến đường cùng uy hiếp Thập Tam Muội, sét đánh ầm ầm tất cả đều choáng váng, chỉ duy nhất Chó Xám đang trọng thương từ xa ít bị ảnh hưởng lao đến chém đầu Diệu Dương. Tại sao Ngưu Lão phải cho Chó Xám giết Diệu Dương mà không phải ai khác? Vì đó là sự sắp đặt tài tình, Chó Xám xuất hiện vốn là sự thay thế cho Đầu Bự.

Trước mộ phần Đầu Bự, Trần Hạo Nam cúi rạp người rơi lệ. Hắn hứa trước mộ người anh em hắn sẽ là một đại ca tốt, mãi mãi là một đại ca tốt. Đầu Bự không còn nghe được nữa, con đường máu tanh của giang hồ hắn không hề muốn đặt chân mà vẫn bị kéo lại. Hắn không cần một đại ca tốt chỉ cần một người bạn tốt.Đầu Bự Dương Thiêm, hắn vốn là một người đơn giản như thế.



Trận chiến Phúc Điền, Bát Tráng Sĩ của Hồng Hưng chiến đấu với liên minh Đông Anh và Độc Xà hơn 2000 người. Đây là một trong những phân đoạn bi tráng nhất mà tôi từng thấy trong nhiều tác phẩm. Nó mang lại cảm giác cảm khái như ngày xưa đọc Thủy Hử khi từng hảo hán Lương Sơn Bạc lần lượt bỏ mình, như xem Thất Tử đi Lục Tử về của Dương Gia quân tử trận hay cảnh Tiêu Phong đâm lưỡi đao răng sói vào lồng ngực mãi mãi nẵm xuống ở Nhạn Môn Quan đổi lại thái bình cho bách tính hai nước Liêu Hán.

“Cổ Hoặc Tử” không đơn thuần chỉ toàn là máu của bạo lực mà máu đó còn là của tình nghĩa huynh đệ trong giang hồ. Trần Hạo Nam một mình một kiếm liều mạng đến Phúc Điền phá liên minh của kẻ thù Đông Anh và Độc Xà, hắn biết hắn đang đi tìm con đường chết, hắn muốn dùng cái mạng của hắn đổi lại một chút gì đó lợi ích cho bang hội. Trần Hạo Nam quên mất mình còn bạn bè, còn những anh em vào sinh ra tử, họ âm thầm đi sau hắn, hắn đi chết, họ cũng cắn chặt răng tìm đến cửa địa ngục lội máu cứu hắn trở lại. Tám mãnh nhân của Hồng Hưng xông vào địa bàn liên minh hơn 2000 người của Đông Anh và Độc Xà, chỉ có thân xác máu thịt và bầu nhiệt huyết trùm trời đất. Chết, vì huynh đệ có gì đáng sợ? Chết, nghĩa khí trường tồn mãi ngày sau, có gì nuối tiếc?

Thái Tử cả cuộc đời chiến đấu, hắn là Chiến Thần không chỉ của Hồng Hưng mà là Chiến Thần vô địch cả xã hội đen Hong Kong cuối cùng cũng vì chiến mà chết. Thái Tử không muốn sống bình yên, cuộc đời của hắn phải có những kích thích nơi đầu gươm mũi kiếm, hắn thà chiến tử sa trường chứ không chết già trên gường bệnh. Hắn đã từng được sống yên bình tại một thành phố nhỏ với người phụ nữ hắn thương yêu, nhưng hắn đã nhận ra cuộc sống đó không phải dành cho hắn, hắn là người giang hồ, giang hồ mới chính là cuộc sống ưa thích của hắn.

Thái Tử không mưu ma chước quỷ, không thủ đoạn hèn hạ, hắn là hiện thân của một trang thiết hán dùng nắm đấm để bình thiên hạ. Bôn Lôi Hổ Diệu Dương của Đông Anh giết bạn bè hắn, ám sát hắn, hắn tức giận truy sát Diệu Dương, Diệu Dương thách đấu cả bang hội, Thái Tử không do dự hẹn quyết đấu 500 người mỗi bên, tạo nên cuộc thanh toán ác liệt nhất lịch sử từ trước đến nay của xã hội đen Hong Kong: Hỏa Thạch Châu. Long Đầu Hồng Hưng Tưởng Thiên Sinh phản đối trận chiến này, bạn thân Trần Hạo Nam khuyên hắn suy nghĩ lại, hắn bỏ qua thúc đẩy 12 Chưởng Đà Nhân Hồng Hưng tham gia. Con người của Thái Tử đại loại là vậy, khi đã làm việc gì hắn quyết tâm đến sắt đá cũng mòn, cũng như khi quyết định cùng 7 người anh em thân máu thịt liều mạng đi cứu Trần Hạo Nam, hắn không do dự một giây.

Thái Tử xả thân giữa muôn trùng vây của 2000 người, trước mặt là Địa Trung Hải võ lực còn vượt trội hắn nhưng hắn không một chút kinh sợ. Hắn đổ những giọt máu cuối cùng trong người, rồi nằm xuống, hắn nhìn Trần Hạo Nam ở đằng xa với muôn vàn ý nghĩ, đến câu nói :”A Nam, Tao đi trước một bước”, hắn cũng không còn đủ sức để nói nữa rồi. Thái Tử bỏ lại vợ yêu cùng đứa con vài tháng tuổi, có khi nào hắn có ước muốn lại làm một người bình thường, chăm lo vợ con, dạy dỗ đứa con trai lớn lên từng môn võ nghệ mà hắn đã học trong cuộc đời?

Đại Thiên Nhị một đời chỉ là số 2, hắn biết hắn mãi mãi đi sau đàn anh Trần Hạo Nam. Có lúc hắn tức giận bản thân, có lúc hắn kiên cường tiếp bước đến cùng, nhưng chẳng để làm gì nữa, máu của người thân và bạn bè đã đổ vì hắn quá nhiều. Hắn là người có tình có nghĩa. Hắn bỏ qua nỗi nhục của vợ, hắn trở thành một người chồng, người cha tốt chăm sóc bao bọc cho gia đình nhỏ, có lúc chuyện giang hồ đối với hắn đã trở thành xa xôi. Nhưng vì nghĩa khí với Trần Hạo Nam, hắn đành từ bỏ tất cả, hắn ra đi để lại gia đình nhỏ. Hắn vốn không có sự lựa chọn.

Hôi Cẩu từ nhỏ đến lớn luôn bị người đời khinh ghét, xa lánh, không ai coi trọng hắn chỉ duy nhất Trần Hạo Nam. Nam Ca đề bạt hắn làm Chưởng Đà Nhân của Hồng Hưng, dạy hắn làm người lớn, nhìn ra tài năng của hắn, nâng đỡ hắn, là người duy nhất hắn kính trọng trên đời. Hôi Cẩu cũng giống như Thái Tử dùng nắm đấm để giải quyết mọi việc, hắn chỉ phục mỗi mình Trần Hạo Nam và cả cuộc đời sau này của hắn chỉ để trung thành, vâng lời và bảo vệ Nam Ca của hắn. Tiểu Tiên vợ hắn dạy con trai tập nói, hắn bảo gọi “cha nuôi đi con”, hắn muốn câu đầu tiên của con trai hắn là gọi Trần Hạo Nam, Nam Ca là thần tượng suốt đời hắn. Ngưu Lão bất công với hắn khi cho danh xưng Hồng Hưng Đả Tử Vương dành cho Y Kiện, quên mất rằng Hôi Cẩu cũng là kẻ gan dạ, đấu chí bậc nhất.

Ở Hỏa Thạch Châu giữa ngàn người chém giết, Hôi Cẩu là kẻ xông pha lấy thân bảo vệ đồng môn, tiến lên chém địch giết tướng hung hãn nhất. Hắn chịu đau đâm chết Trường Tam kẻ có võ lực đứng đầu Thủy Linh Thập Kiệt, hắn cứu sống Cô Cô Tử bên quân Đại Phi, hắn bảo vệ quân Hàn Tân. Khi Bôn Lôi Hổ Diệu Dương bắt sống Thập Tam Muội uy hiếp tất cả mãnh nhân của Hồng Hưng, sét đánh bất ngờ khiến Trần Hạo Nam, Hàn Tân, Thái Tử….đều bất lực, chỉ có Hôi Cẩu thân mang trọng thương từ xa một người một đao lao đến chém đầu Diệu Dương. Cũng chính Hôi Cẩu liều mạng giữa vòng vây dày đặc của đàn em A Dạ, một thân giữa đao gươm súng đạn, cõng trên lưng Hạo Nam đã kiệt sức ngất đi chạy thoát. Câu nói của hắn trở nên bất diệt về lòng trung thành và dũng cảm :”Cố lên Nam Ca, A Cẩu đến cứu anh đây”.

Hôi Cẩu cuối cùng cũng chết ở trận Phúc Điền, trong vòng vây của 2000 người hắn không kiệt sức nhưng bị Địa Trung Hải một đao xẻ đôi thân thể. “Chó săn chôn trên núi”, cuộc đời Hôi Cẩu đã chết vì chiến đấu. Nửa đời trước hắn bị người ta khinh thường, nửa đời sau hắn được người ta ca ngợi vì chiến đấu. Hắn nằm xuống cùng với những anh em Hồng Hưng, hắn chết để bảo vệ Nam Ca của hắn. Có lẽ hắn không có gì phải ân hận.

Sơn Hạ Trung Tú theo đuổi lý tưởng riêng của hắn: hắn muốn trở thành một người vĩ đại như Lập Hoa Chánh Nhân, hắn muốn được Lập Hoa thừa nhận con người hắn đã trở nên tốt đẹp hơn xưa. Sơn Hạ Trung Tú vốn không liên quan đến Hồng Hưng, hắn vốn không cần đến Phúc Điền chịu chết cùng 7 người kia nhưng hắn đang đóng vai của Lập Hoa Chánh Nhân, hắn biết nếu Lập Hoa đại ca ở vào tình huống này sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn bè. Đến lúc cận kề sinh tử, hắn thừa nhận với thiên hạ hắn là Sơn Hạ Trung Tú chứ không phải Lập Hoa dù biết rằng nếu nói là Lập Hoa hắn sẽ được thả đi. Trần Hạo Nam cũng hét lên nói dối hắn là Lập Hoa để hy vọng hắn được sống. Nhưng hắn chọn con đường chết, Lập Hoa cũng thế, Sơn Hạ cũng thế, ngày hôm nay hắn quyết tử không quay đầu. Sơn Hạ Trung Tú mãi chạy theo Lập Hoa Chánh Nhân nhưng vào thời khắc cuối cùng cuộc đời, hắn đã là chính hắn.

Sinh Phiên ban đầu là một kẻ tiểu nhân tự tư tự lợi, hắn vốn không có nghĩa khí, không có bạn bè anh em sống chết, đến ngay gã đàn em thân thiết nhất cũng sẵn sàng bán đứng dồn hắn vào chỗ chết. Nhưng hắn đã thay đổi, hắn và Y Kiện bị Địa Trung Hải phục kích, hắn chạy trốn gọi viện quân. Đó là điều làm hắn ân hận suốt cuộc đời dù chẳng một ai trách hắn. Lương tâm hắn tự thức tỉnh, hắn trách bản thân thiếu nghĩa khí, không dám xông vào cùng chết với Y Kiện. Đến khi tất cả Chưởng Đà Nhân đồng lòng liều mạng đi cứu Trần Hạo Nam ở Phúc Điền, tất cả nhìn hắn ái ngại, họ cho rằng đến giờ này ai không muốn đi vẫn có thể bỏ về. Sinh Phiên tức giận, hắn muốn làm một kẻ nghĩa khí, dù chỉ một lần trong đời. Cuối cùng hắn đã làm được dù phải trả giá bằng cả mạng sống. Ở thế giới bên kia hắn đã có thể mỉm cười khi thế hệ sau nhắc đến hắn là nhắc đến một trong những tráng sĩ hy sinh oanh liệt, đầy nghĩa khí chứ không phải một Sinh Phiên tham sống sợ chết.

Diệc Long là nhân vật xuất hiện ngắn ngủi, chỉ để làm nền trong bức tranh bi tráng Phúc Điền nhưng cũng đủ đến người ta nhắc đến nghĩa khí của hắn. Hắn sống đơn giản nhưng trọn vẹn chữ “nghĩa”. Trần Hạo Nam đề bạt giúp đỡ làm Chưởng Đà Nhân, đến khi Trần Hạo Nam có chuyện, hắn không một cái nhíu mày, sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Hắn có thể không phải nhân vật được nhắc đến ở bất cứ một phương diện gì dù là chiến lực, tâm kế, thanh danh….nhưng có sao đâu. Người bình thường như hắn cũng đã làm được chuyện phi thường, dù phải trả bằng mạng sống. Trong trận Phúc Điền, Bát Tráng Sĩ đó, Diệc Long đứng tên sừng sững.

Trong Bát Tráng Sĩ ở trận Phúc Điền, dù Trận Hạo Nam và Đại Phi may mắn sống sót cũng phải trả một cái giá quá lớn, nỗi đau đớn vì huynh đệ bỏ mình sẽ đi theo họ suốt cuộc đời. Máu đổ quá nhiều và chưa bao giờ ngừng lại, bức tranh giang hồ là thế.