Cám chuyện xưa kể

     

Nhắc đến những “món ăn tinh thần” để nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, tôi cho rằng, trẻ em ở Việt Nam dường như chẳng hề thua kém với bạn bè đồng lứa ở những đất nước khác. Thậm chí, chúng còn có phần may mắn hơn. Bởi dù ở nông thôn hay thành thị, thì vẫn có cả một kho tàng chuyện cổ tích, chuyện dân gian, cùng với chúng, lớn lên từng ngày.

Và cho đến bây giờ vẫn thế, dù cho ít nhiều thay đổi về loại hình, nhưng bằng cách nào đó, những người lớn, vẫn giúp đám trẻ được lớn lên với những câu chuyện về cô Tấm, bà tiên, ông bụt,… như họ đã từng.


Bạn đang xem: Cám chuyện xưa kể

*

*

*

*

*

Còn nhớ mùa hè năm 2000, Tấm Cám bắt đầu được công diễn tại Nhà hát Bến Thành với phiên bản dành cho thiếu nhi, mở đầu cho chuỗi chương trình Ngày xửa Ngày xưa. Lần đầu tiên, những câu chuyện, những nhân vật trước đây chỉ hiện diện trong trí tưởng tượng của bọn trẻ qua những câu chuyện được kể, lại đang đứng ngay trước mắt chúng, cùng nhảy múa, cùng phiêu lưu và cùng cho nhau những chiêm nghiệm, những bài học sống động.

Thành công của Tấm Cám lúc ấy, chắc chắn không thể gói trong 2 chữ may mắn vì “gặp thời” mà không nhắc đến những con người đã làm nên cái hồn của vở diễn, và giữ cái hồn ấy suốt bao nhiêu năm qua như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Bạch Long,…


Có lẽ ở thời điểm hiện tại, cách diễn giả gái đã khá phổ biến khi cái nhìn của khán giả với nghệ thuật đã thoáng hơn, không còn khắt khe như trước khiến họ dễ dàng đón nhận và trân trọng. Nhưng quay ngược lại thời gian cách đây 18 năm, khi mọi thứ còn quá mới mẻ, nếu không đủ duyên dáng, chừng mực, không đủ tầm và không đủ tâm, thì có lẽ, khó có thể đưa một vai diễn giả gái lên sân khấu dành cho thiếu nhi mà lại thành công như vậy.

Việc trau chuốt cho nhân vật từ tính cách, cử chỉ khiến cho hai mẹ con nhà Cám của NS Thành Lộc và NS Hữu Châu không những không gây phản cảm mà còn lột tả được cái kệch cỡm, ganh tị, ích kỉ của nhân vật qua lăng kính hài hước. Nếu Tấm Cám theo nguyên tác chuyện dân gian vẫn gây nhiều tranh cãi với màn trả thù dì ghẻ và em khá tàn nhẫn ở cuối chuyện thì Tấm Cám của Ngày xửa Ngày xưa lại có câu chuyện đơn giản hơn, lời thoại chọn lọc hơn để những bài học vẫn được truyền tải nhưng vẫn giữ được cái nhẹ nhàng và hài hước của vở diễn.


Nói chẳng ngoa, Tấm Cám như một cơn mưa rào, giội vào tâm hồn trẻ thơ giữa những ngày hè nhàm chán và đơn điệu ở cái thời còn thiếu thốn chương trình giải trí cho thiếu nhi. Không chỉ tạo được tiếng vang rất lớn, Tấm Cám nói riêng và nhóm Líu Lo (gồm NS Thành Lộc, Đình Toàn, Bạch Long, Thanh Thủy, Hoàng Trinh...) còn trở thành một phần tuổi thơ đẹp đẽ của những đứa trẻ thành thị lúc bấy giờ.

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, có ngày phải diễn cả 2, 3 suất là chuyện hết sức bình thường. Đáng nhớ còn phải kể đến lần diễn phân đoạn thử hài của Cám, NS Thành Lộc đạp phải cây đinh do hậu đài làm sân khấu bị rớt. Cây đinh to lắm, lún hẳn cả nửa cây vào gai bàn chân rồi. Vừa đau, vừa nhói, ấy vậy mà anh vẫn cố gắng nhón chân bước từng bước để làm sao vẫn hoàn thành tốt nhất phân đoạn của mình. Vừa hạ màn, lật đật đến phòng khám, chỉ kịp chích thuốc và băng bó, anh lại chạy vội về diễn tiếp suất tối.


Thấm thoát cũng 18 năm, đến người nghệ sĩ cũng chẳng nhớ chính xác họ đã diễn vở diễn này bao nhiêu lần. 20h, suất diễn tối bắt đầu. Nhưng bao lần vẫn thế, người nghệ sĩ vẫn cứ phải đến thật là sớm, họ nâng niu và chăm chút cho nhân vật của mình. Để trước khi tấm màn nhung mở ra, mọi thứ đã tươm tất, phong thái đã thoải mái, sẵn sàng.

Ngày xửa Ngày xưa kéo dài cũng nghót nghét 17 năm với 30 vở diễn, duy chỉ có Tấm Cám là được phục dựng lại sau 16 năm với phiên bản dành cho người lớn. Bởi đơn giản theo những người làm nghề, một câu chuyện dân gian thì có thể dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau, không chỉ riêng thiếu nhi.


Xem thêm: 10 Bài Tập Giảm Cân Nhanh Nhất Được Gợi Ý Từ Chuyên Gia, Top 3 Bài Tập Thể Dục Giảm Cân Hiệu Quả Mỗi Ngày

Ở mỗi phiên bản, đều có cái hay, cái riêng để người nghệ sĩ vẫn luôn giữ được cảm xúc tươi mới. Ví như bản diễn cho người lớn từ năm 2016 đến nay, ngôn ngữ thoải mái hơn, thậm chí đôi chỗ thông tục hơn. Mảng miếng hài hước cũng phức tạp hơn. Câu chuyện đôi khi mang cả tính thời sự, tính đương đại và trào phúng mạnh mẽ hơn chứ không còn đơn thuần như trước.

Cũng bởi mỗi vở diễn sân khấu là một sự tương tác với người xem, nên cảm xúc bao năm qua dành cho mỗi vở diễn vẫn đong đầy, vẫn chẳng đổi thay. Với họ, 18 năm nhưng mỗi suất diễn vẫn là một sự hưng phấn mới, một cảm xúc mới, chỉ có điều, từng lớp khán giả lớn lên, thì mẹ con nhà Cám ngày nào cũng dần được xếp vào hàng gạo cội, "có tuổi".

Mỗi suất diễn kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Có những phân đoạn nhảy múa nhìn có vẻ đơn giản nhưng sau chừng ấy năm, có thể vẫn giữ cho nhân vật đủ tươi trẻ như bản gốc ngày đầu, chẳng phải chuyện dễ dàng

Mà nói như nghệ sĩ Hữu Châu thì: "Cứ ra sân khấu thì tự khắc quên hết mệt mỏi thôi. Đã là nghề, là nghiệp thì phải giữ nhiệt huyết, phải nuôi cảm xúc. Vì cảm xúc nó nuôi sống mình, nó đẻ ra chén cơm cho mình mà".


Với khán giả, tình cảm của họ dành cho chị Tấm, cho mẹ con nhà Cám thì vẫn chưa bao giờ thuyên giảm. Cứ nhìn đoàn người nối nhau xếp hàng dài chờ cả vài tiếng đồng hồ để mua được tấm vé trên tay, nhìn sân khấu chật kín chẳng một chỗ trống sẽ cảm nhận được sức sống và vị trí của Tấm Cám trong lòng khán giả sâu sắc đến nhường nào.


Với thế hệ 9x đời đầu, Tấm Cám chắc hẳn là một trong những kí ức đẹp đẽ theo họ suốt cả năm tháng tuổi thơ. Còn nhớ, ở cái thời mà Internet vẫn còn quá xa lạ, việc chờ đợi một vở diễn yêu thích được phát trên ti vi có lẽ cũng là thú vui mà bây giờ chẳng còn có được. Ngày ấy, có được chiếc đĩa CD Tấm Cám hay Ngày xửa Ngày xưa trên tay là một cảm giác vui sướng lạ kì, cứ nâng niu như báu vật mà khó khăn lắm mới có được.

Có lẽ hiếm thấy một câu chuyện nào dù đã biết cái kết rõ mồn một, nhưng hết suất này đến suất khác, người ta vẫn háo hức kéo nhau đến chật kín cả khán phòng. Mỗi lần có suất diễn là mỗi lần cháy vé, điều mà không phải vở diễn nào cũng làm được. Phải chăng, họ đến đây, phần vì muốn sống lại với kí ức ngày xưa khi đã trưởng thành, phần vì tò mò vở diễn được phục dựng lại phiên bản mới sẽ ra sao, nhưng chắc rằng, phần nhiều ở họ là những người đã yêu thương mẹ con nhà Cám quá đỗi.


Lạ nhỉ, lẽ thường người ta sẽ dành tình cảm nhiều hơn cho nhân vật chính diện, hiền lành. Nhưng để vầng hào quang của Tấm Cám vẫn rực rỡ bao năm qua, chẳng thể phủ nhận, phần nhiều nhờ vào thiện cảm mà khán giả dành cho cặp bài trùng Thành Lộc – Hữu Châu.


Tấm Cám dù đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, nhưng sức hút của sân khấu kịch vẫn chẳng hề giảm sút. Ánh mắt thích thú,tràng cười sảng khoái của khán giả, với người nghệ sĩ, nguồn động lực tuy giản dị nhưng khiến họ vẫn ngày đêm miệt mài với đam mê của mình, với những vở diễn mới, những nhân vật mới mà Tiên Nga của Idecaf là một ví dụ. Dựa trên tác phẩm truyện thơ nổi tiếng, với việc khơi dậy được bản sắc dân tộc từ chiều sâu câu chuyện và lối diễn thăng hoa của các nghệ sĩ,… Tiên Nga được kì vọng sẽ tiếp nổi ánh hào quang của Tấm Cám, đủ sức đưa khán giả đến với sân khấu kịch nhiều hơn.


Previous Next
Previous Next

Bài viết: Hà My

Nội dung: Kim Thanh

Hình ảnh: Nguyễn Đạt, KiengCan

Thiết kế: Quang Phạm


Theo: http://letspro.edu.vn.thethaovanhoa.vn/vo-kich-tam-cam-va-hanh-trinh-18-nam-cua-nghe-si-thanh-loc-huu-chau-emagazine-161690.html