Phật mẫu chơn kinh

     
l>GIAI NGHIA KINH THIEN DAO & THE DAO: Phat Mau Chon Kinh (1)

Giải Nghĩa KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO

MỤC LỤC

► Phần Giới Thiệu► Kinh Thiên Ðạo► Kinh Thế Ðạo►Tìm nghĩa các chữ khó trong Kinh

PHẬT MẪU CHƠN KINH

PHẬT MẪU CHƠN KINH

(Giọng Nam xuân)

1.
Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu,
2. Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.

Bạn đang xem: Phật mẫu chơn kinh

3. Sanh quang dưỡng dục quần nhi,
4. Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình.

造 化 天 玄 微 天 后 掌 金 盤 佛 母 瑤 池 生 光 養 育 群 兒 眞 靈 配 一 身 為 聖 形

GIẢI NGHĨA

* PHẬT MẪU:
Ðức Phật Mẫu là Bà Mẹ thiêng liêng chung cho cả Vạn linh trong CKVT, tức là Bà Mẹ thiêng liêng chung cho cả chúng sanh nơi cõi trần.

Theo Luật Tam Thể Xác Thân, chúng ta biết rằng, mỗi con người nơi cõi phàm trần đều có 3 thể:

Ðệ nhứt xác thân là xác thân phàm, do tinh huyết của cha mẹ phàm trần tạo nên và được nuôi dưỡng bằng vật chất phàm trần. Ðệ nhị xác thân là Chơn thần, tức là xác thân thiêng liêng do Ðức Phật Mẫu dùng 2 nguyên khí Âm quang và Dương quang chứa trong Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung tạo thành, cho nên mới gọi Ðức Phật Mẫu là Ðại Từ Mẫu. Thể thứ ba là Chơn linh, hay Linh hồn, là điểm Linh quang của Ðức Chí Tôn ban cho, nên mới gọi Ðức Chí Tôn là Ðại Từ Phụ. Ðức Phật Mẫu được nhơn loại gọi bằng nhiều danh từ khác nhau, tùy theo tôn giáo và địa phương.

Ở Trung Hoa và Việt Nam, Ðức Phật Mẫu được gọi bằng các danh từ, kể ra sau đây:

Diêu Trì Kim Mẫu - Thiên Hậu Kim Bàn Phật Mẫu - Mẫu Hậu Phật Mẫu Diêu Trì - Ðịa Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ - Ðức Mẹ Thiêng liêng Cửu Thiên Nương Nương - Mẫu Nghi Tây Vương Mẫu - Mẹ Sanh. Hiện nay, tại Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh chưa xây dựng Ðiện Thờ Phật Mẫu chánh thức ở Trung Ương, còn thờ tạm Ðức Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ.

Trong Báo Ân Từ, Ðức Phạm Hộ Pháp dạy đắp tượng Ðức Phật Mẫu lấy theo sự tích Hớn Võ Ðế cung nghinh Ðức Phật Mẫu như sau:

1. Trên hết là chơn dung của Phật Mẫu cỡi Thanh loan. (Thanh loan là con chim loan màu xanh đặc biệt của Ðức Phật Mẫu)

2. Kế đó đắp 9 pho tượng của Cửu vị Tiên Nương.

3. Ðắp thêm 4 pho tượng của 4 Tiên đồng Nữ nhạc cầm quạt và phướn theo hầu Ðức Phật Mẫu. Tên của 4 vị nầy là: Ðổng Song Thành, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh, Vương Tử Phá.

4. Pho tượng Ông Tiên Ðông Phương Sóc, đứng bên hữu và phía dưới Ðức Phật Mẫu, 2 tay bưng một cái dĩa nâng lên khỏi đầu để rước 4 quả Ðào Tiên do Ðức Phật Mẫu ban tặng cho Hớn Võ Ðế.

5. Pho tượng Ðức Cao Thượng Phẩm quì trước sân Hoa Ðiện để cung nghinh Ðức Phật Mẫu.

Trong khuôn tượng, đắp lên một cảnh chùa cổ, kiểu xưa, đẹp, gọi là Hoa Ðiện.

Ðáng lẽ phải tạo hình Hớn Võ Ðế, nhưng vì đời Hớn (Hán) đến nay quá xa thẳm, lại nữa nguyên căn của Hớn Võ Ðế là Chơn linh Hớn Chung Ly trong Bát Tiên giáng sanh. Nay là thời TKPÐ, Bát Tiên lãnh lịnh giáng trần làm Tướng soái cho Ðức Chí Tôn khai Ðạo, Ðức Cao Thượng Phẩm chính là Chơn linh Hớn Chung Ly giáng phàm kỳ nầy, nên tạo hình Ðức Cao Thượng Phẩm thay vào chỗ Hớn Võ Ðế thì thuận hơn. (Xem sự tích: Hớn rước Diêu Trì, nơi Câu 6, Kinh Khi Về).

* CHƠN KINH: Chơn là thật, Kinh là bài Kinh do các Ðấng Tiên Phật giáng cơ viết ra ban cho để tụng đọc. Chơn Kinh là bài Kinh chơn thật, đúng chơn lý.

* PHẬT MẪU CHƠN KINH là bài Kinh chơn thật, đúng chơn lý, nói về quyền pháp của Ðức Phật Mẫu nơi cõi Thiêng liêng.

Câu 1: Tạo Hoá Thiên huyền vi Thiên Hậu.

Tạo Hoá Thiên: Tạo hóa là làm ra và làm thay đổi được; Thiên là từng Trời. Tạo Hoá Thiên là từng Trời có nhiệm vụ tạo hóa CKVT và vạn vật. Ðó là từng Trời thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên, do Ðức Phật Mẫu chưởng quản, có Cửu vị Tiên Nương và các vị Tiên Phật khác phụ giúp.

Huyền vi: Mầu nhiệm huyền diệu. Huyền là sâu kín, Vi là rất nhỏ. Thiên Hậu: Một danh hiệu của Phật Mẫu.

C.1: Nơi từng Trời Tạo Hóa Thiên có Ðức Phật Mẫu huyền vi mầu nhiệm.

Câu 2: Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.

Chưởng: Nắm giữ, cai quản. Kim Bàn: Kim là vàng; Bàn, còn đọc là Bồn, là cái chậu. Kim Bàn hay Kim Bồn là cái chậu bằng vàng nơi Diêu Trì Cung mà Ðức Phật Mẫu dùng để chứa các nguyên chất (nguơn chất) tạo nên Chơn thần cho Vạn linh. Kinh Ðệ Cửu cửu có câu:

Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất, Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.

Diêu Trì: Diêu, còn đọc là Dao, là loại ngọc quí do chất hơi kết tụ mà thành; Trì là cái ao. Diêu trì hay Dao trì là cái ao làm bằng ngọc Diêu. Trong Cung của Ðức Phật Mẫu nơi từng Trời Tạo Hóa Thiên, có một cái ao làm bằng ngọc Diêu, nên Cung đó được gọi là Diêu Trì Cung. Ðức Phật Mẫu chưởng quản Cung đó, nên gọi là Phật Mẫu Diêu Trì.

C.2: Ðức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi DTC.

Ðức Hộ Pháp giải nghĩa 2 câu kinh 1 & 2 như sau:

"Từng Trời thứ 9 gọi là Cung Tạo Hóa Thiên, có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu, nắm cả Kim Bàn, tức là nắm đẳng cấp Thiêng liêng điều khiển Chơn linh, gọi là Phật Mẫu Diêu Trì"

Câu 3: Sanh quang dưỡng dục quần nhi.

Sanh quang: Sanh là sống; Quang là ánh sáng, ở đây có nghĩa là chất có chứa nhiều năng lượng giống như ánh sáng, và năng lượng đó gọi là Quang năng. Sanh quang là năng lượng giống như ánh sáng để nuôi dưỡng sự sống.

Ðối với con người và các loài sanh vật nơi cõi trần, Sanh quang là khí Oxy (Oxygène hay Dưỡng khí) và ánh sáng mặt trời. Nếu không có 2 chất nầy, vạn vật sẽ chết hết.

Nơi cõi Thiêng liêng, Sanh quang là khí Thái Cực, phát ra từ ngôi Thái Cực, để nuôi sống Chơn thần của Vạn linh. Ðức Phật Mẫu trụ khí Sanh quang nầy lại, biến thành những quả Ðào Tiên, có đủ sự sống vĩnh cửu, để ban thưởng cho những Chơn thần đắc đạo trở về.

Dưỡng dục: Dưỡng là nuôi nấng, dục là nuôi lớn. Dưỡng dục là nuôi nấng cho khôn lớn. Quần: Nhiều người tụ họp đông đảo. Nhi: Con trẻ. Quần nhi là chỉ toàn thể con cái của Ðức Phật Mẫu.

C.3: Ðức Phật Mẫu lấy khí Sanh quang từ ngôi Thái Cực để nuôi dưỡng toàn thể con cái của Ngài.

Ðức Phạm Hộ Pháp giải nghĩa Câu kinh số 3: "Lấy khí Sanh quang (Fluide de Vitalité) nuôi nấng con cái của Người."

Câu 4: Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình.

Chơn linh: Linh hồn, là điểm Linh quang do Ðức Chí Tôn chiết ra từ khối Ðại Linh quang của Ngài ban cho mỗi người để tạo ra mạng sống, giữ gìn mạng sống đó và làm chủ điều khiển xác thân. Phối nhứt: Phối là sắp xếp cho thỏa đáng, nhứt là một. Phối nhứt là phối hợp làm một.

Thân: Xác thân. Vi: Làm. Thánh: Thiêng liêng. Hình: Hình thể. Thánh hình: Hình thể Thiêng liêng, đó là Chơn thần.

C.4: Chơn linh phối hiệp làm một với Chơn thần để tạo thành một người nơi cõi Thiêng liêng.

Ðức Phật Mẫu thâu điểm Linh quang từ ngôi Thái Cực để làm Chơn linh, rồi dùng 2 Khí Dương quang và Âm quang trong Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung để tạo thành xác thân thiêng liêng (Chơn thần), bao bọc Chơn linh, phối hiệp Chơn linh và Chơn thần làm một, để tạo thành một con người nơi cõi Thiêng liêng. Ðó là một Nguyên nhân nơi cõi thiêng liêng.

Khi Nguyên nhân đầu kiếp xuống cõi phàm trần thì Chơn linh và Chơn thần sẽ nhập vào một hài nhi vừa mới lọt lòng bà mẹ phàm trần. Chơn linh tạo nên sự sống và gìn giữ sự sống cho hài nhi, Chơn thần làm khuôn viên hình ảnh cho thể xác phàm của hài nhi. Lúc đó, Chơn linh, Chơn thần và thể xác phàm của hài nhi phối hiệp làm một để tạo thành một con người mới nơi cõi phàm trần.

5. Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp,
6. Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.
7. Càn Khôn sản xuất hữu hình,
8. Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.

天 宮 出 萬 靈 從 法 協 陰 陽 有 合 變 生 乾 坤 產 出 有 形 八 魂 運 轉 化 成 眾 生

GIẢI NGHĨA

Câu 5: Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp.

Thiên cung: Cung điện của Ông Trời, cung điện của Ðức Chí Tôn. Xuất: Ði ra. Vạn linh: Vạn là muôn, chỉ một số thật lớn; Linh là Chơn linh, linh hồn. Vạn linh là tất cả các Chơn linh trong CKVT, gồm đủ 8 đẳng cấp Linh hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn.

Tùng: Theo. Pháp: Quyền pháp của Ðức Chí Tôn.

Ðức Chí Tôn giảng giải chữ Pháp nầy như sau:

TNHT. I. 52: "Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế giới nên mới gọi là PHÁP, PHÁP có mới sanh ra Càn Khôn Vạn vật, rồi mới có người nên gọi là TĂNG. Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Ðạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy,"

Ðức Chí Tôn dùng Pháp tạo ra CKVT và Vạn linh, cho nên Vạn linh phải tùng theo Pháp của Ðức Chí Tôn.

C.5: Ðức Chí Tôn ở Thiên cung sản xuất ra Vạn linh, nên Vạn linh phải tùng theo Pháp của Ðức Chí Tôn.

Câu 6: Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.

Hiệp: Hòa hợp. Âm Dương: Hai khí Âm quang và Dương quang do Thái Cực biến hóa phân ra. Hiệp âm dương: Ðức Phật Mẫu đem hai chất khí Âm Dương nầy hòa họp để tạo ra CKVT và vạn vật. Hữu: Có. Hạp: Hợp: hợp lại, kết hợp lại với nhau. Hữu hạp: Có sự kết hợp lại với nhau. Biến sanh: Biến hóa sanh ra.

C.6: Hòa hợp hai khí Âm quang và Dương quang lại với nhau để biến hóa sanh ra (CKVT và vạn vật).

Câu 7: Càn Khôn sản xuất hữu hình.

Càn Khôn: Hai quẻ trong Bát Quái, Càn chỉ Trời, Khôn chỉ Ðất. Càn Khôn là Trời Ðất, thường nói Càn Khôn Vũ Trụ (CKVT). Sản xuất: Chế tạo làm ra. Hữu hình: Có hình thể hiện ra mà mắt phàm thấy được. Trái với Hữu hình là Vô hình, mắt phàm không thấy được.

C. 7: (Nối tiếp ý nghĩa của Câu 6) Sản xuất ra Càn Khôn Vũ trụ và vạn vật có hình thể.

Hai chất khí Dương quang và Âm quang không có hình thể sắc tướng. Ðức Phật Mẫu cho hai chất khí nầy phối hợp với nhau để biến hóa sanh ra CKVT và vạn vật có hình thể mà mắt phàm trông thấy được. Như thế, Ðức Phật Mẫu đã dùng cái KHÔNG vô hình vô ảnh biến hoá thành cái SẮC có hình tướng, thấy được bằng mắt phàm.

Câu 8: Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.

Bát hồn: Tám phẩm chơn hồn, tám đẳng cấp tiến hóa của Linh hồn. Bát hồn gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Vận chuyển: Ðem đi từ chỗ nầy đến chỗ khác.

Chúng sanh: Tất cả các loài có sự sống nơi cõi trần. Chúng sanh gồm: Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm, Nhơn loại.

C.8: Ðức Phật Mẫu vận chuyển 8 phẩm Chơn hồn đem đầu kiếp xuống cõi trần để tạo thành chúng sanh.

Do nơi đây, điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là: Trong chúng sanh, có Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn đầu kiếp trong đó. Ðức Chí Tôn buộc người tu phải ăn chay trường là vì lẽ đó.

Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ giảng về Bát Hồn:

"Ðêm nay, Bần đạo khởi giảng về Bát Hồn là gì?

Trong CKVT có 8 đẳng Chơn hồn là: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.

Từ lúc Hỗn Ðộn sơ khai, Âm Dương biến hóa, trong Khí Hư Vô đã có sẵn các tế bào. Sau tiếng nổ, Âm Dương phân tách: Khí Dương quang nhẹ nhàng bay lên trên, khí Âm quang là khí chất chứa các tế bào nên lóng xuống dưới.

Sau một Chuyển, các chất khí trên liên đới tế bào mà tụ lại biến thành vạn vật.

Khi chưa thành hình thể hữu vi, thì chất khí vẫn là một cục lửa do khí Dương quang đốt cháy, sau đó Diêu Trì Cung thâu Thập nhị Ðịa Chi mà biến khí Dương quang và chất khí làm Ngũ Hành. Vậy cho nên, Ðất, Nước, Sắt, Ðá và Lửa được nẩy sanh trước hết. Ðó là Kim thạch hồn.

Sau một Chuyển nữa, Nước, Ðất, Ðá, Lửa, và Sắt mới tiêu ra một chất khí và liên đới với các tế bào mà tạo nên Cây cỏ. Ðó là Thảo mộc hồn.

Sau một Chuyển nữa, Cây cỏ chia tế bào mà liên đới với Ngũ Hành tạo nên Bách thú, trong đó có phần ở khô gọi là Ðiểu thú, còn phần ở nước gọi là Ngư thú. Ðó là Thú cầm hồn. Cầm thú đều là Bách thú.

Sau một Chuyển nữa, Ngũ Hành hiệp với Thảo mộc mà nuôi thú cầm. Trong Thú cầm, chơn hồn đã bước vào cơ tấn hóa, do đó tạo nên Thỉ Tổ loài người là La Hầu, tức là người Khỉ đó.

La Hầu lần lần sanh hóa, và nhờ điểm Linh quang của Chí Tôn mà lần đến loài người như hiện giờ, đó là Nhơn hồn.

Trong Nhơn hồn, từ buổi Tam Chuyển được tấn hóa thêm 4 phẩm nữa là: Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn.

Nhơn hồn nào đã được trọn trung, ấy đã vào Thần vị.

Biết được nghĩa chánh, bồi bổ đạo Nhơn luân, tức là vào Thánh vị. Ðến Thánh hồn thì lẽ tự nhiên phải thông suốt phần Thế đạo đó vậy.

Trong phần Thế đạo, mà tạo được Bí pháp đặng bước qua mặt Thể pháp Thiên Ðạo, tức là Tiên vị.

Ðã lập được Thể pháp Thiên đạo mà tầm nên Bí pháp Thiên đạo, tức là đắc Pháp, ấy là Phật vị." (Trích Luật Tam Thể của Ðức Cao Thượng Phẩm).

9. Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp,
10. Lập Tam Tài định kiếp hòa căn.
11. Chuyển luân định phẩm cao thăng,
12. Hư Vô Bát Quái trị Thần qui nguyên.

共 物 類 玄 靈 圖 業 立 三 才 定 劫 和 根 轉 輪 定 品 高 升 虛 無 八 卦 治 神 歸 元

GIẢI NGHĨA

Câu 9: Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp.

Cộng: Hợp chung lại. Vật loại: Các loài vật, ý nói chúng sanh. Huyền: Sâu kín. Linh: Linh hồn, Chơn linh. Huyền linh: Linh hồn huyền diệu. Ðồ: Mưu tính lo liệu. Nghiệp: Sự nghiệp. Ðồ nghiệp: Mưu tính tạo lập sự nghiệp.

C.9: Hiệp tất cả các chơn linh của chúng sanh để mưu tính làm sự nghiệp cho mình.

Câu 10: Lập Tam Tài định kiếp hòa căn.

Tam Tài: Ba Tài là: Thiên, Ðịa, Nhơn, tức là Trời, Ðất, Người. Lập Tam Tài: Lập ra Trời, Ðất và Người, tức là lập thành CKVT và nhơn loại. Ðịnh: Sắp đặt, định ra.

Kiếp: Một đời sống, từ lúc sanh ra cho đến lúc chết.

Hòa: Cùng, với, pha trộn vào nhau.

Căn: Gốc rễ. Những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước là cái gốc rễ tạo thành cái Nghiệp, ảnh hưởng lên kiếp sống hiện tại, làm cho kiếp sống hiện tại giàu sang hay nghèo hèn, hạnh phúc hay đau khổ. Do đó, thường nói là Căn quả, tức là cái kết quả do cái gốc rễ lúc trước tạo nên. Kiếp hòa căn: Cái kiếp sống hiện tại và cái căn quả của nó.

C.10: Lập ra Tam Tài (Thiên, Ðịa, Nhơn), và sắp đặt cái kiếp sống và cái căn quả của mỗi người.

Câu 11: Chuyển luân định phẩm cao thăng.

Chuyển luân: Chuyển là xoay vần, Luân là cái bánh xe. Chuyển luân hay Luân chuyển là sự xoay vần như cái bánh xe, tức là chỉ sự Luân hồi Chuyển kiếp. Các Chơn linh từ cõi thiêng liêng đầu kiếp xuống cõi trần, sống và tạo Nghiệp, rồi chết, linh hồn trở về cõi thiêng liêng để được định phân ngôi vị. Nếu cái Nghiệp còn, chưa giải quyết xong, thì theo Luật Công Bình thiêng liêng, linh hồn đó phải tái kiếp xuống cõi trần để trả cho xong cái Nghiệp cũ ấy, nhưng linh hồn cũng đồng thời tạo ra Nghiệp mới. Linh hồn thoát xác trở về, rồi phải trở xuống để trả cái Nghiệp vừa qua, cứ thế, lên lên xuống xuống, hết kiếp nọ đến kiếp kia, như một cái bánh xe xoay vòng, nên gọi là sự Luân hồi chuyển kiếp.

Chừng nào Nghiệp cũ đã trả hết mà không gây ra Nghiệp mới, lại lập được nhiều công quả, thì Linh hồn mới được trở về ở hẳn nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống, đạt được phẩm vị cao trọng mà an hưởng hạnh phúc.

Nhờ sự chuyển luân trả vay nghiệp quả, Linh hồn học hỏi và chứng nghiệm được nhiều điều quí báu làm cho Linh hồn mỗi kiếp mỗi tiến hóa, và cuối cùng thì đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

Ðịnh: Sắp đặt. Phẩm: Ngôi thứ cao thấp. Thăng: Bay lên, tiến lên. Cao thăng: Lên ngôi vị cao hơn.

C.11: Nhờ luân hồi chuyển kiếp, các Chơn linh tiến hóa được định cho thăng lên phẩm vị cao trọng hơn.

Câu 12: Hư Vô Bát quái trị Thần qui nguyên.

Hư Vô: Hư là trống không, Vô là không. Hư vô là trống không, thấy không có gì cả, nhưng rất mầu nhiệm, vì từ cái KHÔNG ấy mà sinh ra trướcc cái CÓ, tức là sanh ra tất cả các pháp. Bát quái: 8 quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài. Theo Vũ Trụ Quan của Ðạo Cao Ðài, khởi thủy của CKVT là Khí Hư Vô. Khí Hư Vô hóa sanh Thái Cực, là ngôi của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế. Ðức Chí Tôn phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi Âm Dương. Lưỡng Nghi biến ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái mà tác thành CKVT và vạn vật. Hư vô Bát Quái là Bát quái trong cõi Hư vô, là gốc của vạn vật. Trị: Sắp đặt. Thần: Chơn linh. Qui: Trở về. Nguyên: Cái gốc. Qui nguyên: Trở về cái gốc đã sanh ra nó.

C. 12: Ðức Phật Mẫu sắp đặt đem các Chơn linh trở về cái gốc là Hư Vô Bát Quái, tức là trở về cùng Ðức Chí Tôn.

Chúng ta lưu ý rằng, Ðức Phật Mẫu không định phẩm vị cho các con cái của Ngài, mà chỉ đem con cái trở về, rồi giao lại cho Ðức Chí Tôn định phẩm vị. Cho nên, khi cúng Ðức Phật Mẫu, chúng ta chỉ mặc đạo phục toàn trắng thường, chớ không mặc đạo phục Chức sắc hay Chức việc.

13. Diệt tục kiếp trần duyên oan trái,
14. Chưởng Ðào Tiên thủ giải trường tồn.

Xem thêm: Tìm Hiểu Hai Chế Độ Cc Trong Gmail Là Gì, Cc Và Bcc Trong Email Là Gi

15. Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
16. Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên cung.

滅 俗 劫 塵 緣 冤 債 掌 桃 仙 守 解 長 存 業 洪 運 子 回 門 至 公 定 位 永 存 天 宮

GIẢI NGHĨA

Câu 13: Diệt tục kiếp trần duyên oan trái.

Diệt: Làm cho mất đi. Tục: Tầm thường thấp kém, chỉ cõi trần. Tục kiếp: Kiếp sống của con người nơi cõi trần.

Trần: Bụi bặm. Cõi trần là cõi có nhiều bụi bặm. Duyên: Mối dây ràng buộc. Trần duyên: Những mối dây ràng buộc con người vào cõi trần, tức là những mối dây ràng buộc con người vào vòng luân hồi. Oan: Thù giận. Trái: Món nợ. Oan trái: Món nợ oan nghiệt. Mình làm cho người khác thù giận mình, tức là mình đã tạo ra một món nợ oan nghiệt mà sau nầy mình phải đền trả.

C.13: Tiêu diệt hết những mối dây ràng buộc con người vào cõi trần và tiêu diệt hết các món nợ oan nghiệt mà mình đã tạo ra trong các kiếp sống nơi cõi trần.

Câu 14: Chưởng Ðào Tiên thủ giải trường tồn.

Chưởng: Nắm giữ, cai quản. Ðào Tiên: Trái đào nơi cõi Tiên, còn gọi là trái Bàn đào.

Theo sự tích Hớn Võ Ðế cầu Phật Mẫu, Ðức Phật Mẫu giáng xuống Hoa Ðiện, ban tặng cho Hớn Võ Ðế 4 trái Ðào Tiên. Hớn Võ Ðế ăn hết 2 trái, lấy hột bảo Thái Giám đem ương để trồng. Ðức Phật Mẫu cười rằng: Trái Bàn đào nầy, không phải như trái cây của trần gian, 3000 năm mới ra hoa, 3000 năm mới kết trái, 3000 năm mới chín, đất thế gian mỏng lắm, không trồng được.

Theo lời thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp, nơi Diêu Trì Cung, Ðức Phật Mẫu trụ Sanh quang lại làm thành một khối gọi là quả Ðào Tiên, có đủ sự sống vĩnh cửu nơi cõi Hư Linh. Người được ban thưởng ăn trái Ðào Tiên nầy thì sẽ được sống lâu, sức khỏe cường tráng và hình dáng tốt đẹp.

Thủ: Gìn giữ. Giải: Vật treo lên để làm phần thưởng, gọi là giải thưởng. Trường: Lâu dài. Tồn: Còn. Trường tồn: Tồn tại lâu dài, tức là hằng sống.

C.14: Ðức Phật Mẫu chưởng quản vườn Ðào Tiên nơi cõi thiêng liêng, dùng các trái Ðào Tiên làm phần thưởng cho các Chơn linh đắc đạo trở về ăn vào để được hằng sống.

Câu 15: Nghiệp hồng vận tử hồi môn.

Nghiệp: Sự nghiệp, công nghiệp. Hồng: To lớn.

Vận: Vận chuyển. Tử: Con. Hồi môn: Trở về nhà.

C.15: Công nghiệp to lớn của Ðức Phật Mẫu là đem con cái của Người trở về ngôi nhà cũ nơi cõi thiêng liêng.

KHẢO DỊ:

* Kinh Lễ in bên Pháp năm 1952:

Nghiệp hồng dẫn tử ...

* Kinh TÐ-TÐ năm 1968, 1974, 1975:

Nghiệp hồng vận tử ...

Dẫn: Dìu dắt, dẫn dắt. Vận: Vận chuyển, chở đi.
Câu 16: Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên cung.

Chí Công: Rất ngay thẳng công bình, chỉ Ðức Chí Tôn. Ðịnh vị: Sắp đặt phẩm trật ngôi vị. Vĩnh tồn: Tồn tại vĩnh viễn. tức là trường tồn. Thiên cung: Chỉ cõi Trời, cõi TLHS.

C.16: Ðức Chí Tôn sắp đặt ngôi thứ phẩm vị cho các Chơn linh tùy theo công quả lập được nơi cõi trần. Chơn linh nào được định vị rồi thì mãi mãi ở nơi cõi TLHS.

Ðức Phật Mẫu có nhiệm vụ độ rỗi để đem các Chơn linh là con cái của Người trở về, rồi giao cho Ðức Chí Tôn định phẩm vị theo đẳng cấp thiêng liêng.

17. Chủ Âm quang thường tùng Thiên mạng,
18. Ðộ Chơn thần nhứt vãng nhứt lai.
19. Siêu thăng phụng liễn qui khai,
20. Tiên cung Phật xứ, Cao Ðài xướng danh.

主 陰 光 常 從 天 命 度 眞 神 一 往 一 來 超 升 鳳 輦 歸 開 仙 宮 佛 處 高 臺 唱 名

GIẢI NGHĨA

Câu 17: Chủ Âm quang thường tùng Thiên mạng.

Chủ Âm quang: Ðức Phật Mẫu làm chủ Khí Âm quang. Ðức Chí Tôn làm chủ Khí Dương quang. Ðức Phật Mẫu đem Khí Âm quang phối hiệp với Khí Dương quang để tạo hóa. Thường: Luôn luôn. Tùng: Theo, tùng theo. Thiên mạng: Mệnh lệnh của Trời, tức là mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn.

C.17: Ðức Phật Mẫu làm chủ Khí Âm quang, luôn luôn tùng theo mạng lịnh của Ðức Chí Tôn.

Câu 18: Ðộ Chơn thần nhứt vãng nhứt lai.

Ðộ: Cứu giúp. Vãng: Ði qua. Lai: Ði tới.

Nhứt vãng nhứt lai: Mỗi khi đi mỗi khi về.

CHƠN THẦN: Ðệ nhị xác thân, Xác thân thiêng liêng của con người. Con người sống nơi cõi phàm trần thì có xác thân phàm, gọi là Ðệ nhứt xác thân. Khi trở về ở nơi cõi thiêng liêng thì phải có xác thân thiêng liêng.

Xác thân phàm trần bằng xương bằng thịt do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng các vật thực nơi cõi trần. Còn xác thân thiêng liêng do Ðức Phật Mẫu dùng nguyên khí trong Kim Bàn DTC tạo nên. Do đó, xác thân thiêng liêng rất huyền diệu, bất tiêu bất diệt, không bao giờ chết được. Xác thân phàm trần cấu tạo bằng vật chất phàm trần, nên phải già rồi chết, nó sẽ thúi rã biến trở lại thành đất.

Ðức Chí Tôn giảng dạy về Chơn thần như sau:

"Chơn thần là gì? Là Nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng. Khi còn nơi xác phàm thì nó khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu.

Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật thì huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy." (TNHT. I. 6)

"Mỗi kẻ dưới thế nầy đều có 2 xác thân: Một phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel. Mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra nên gọi nó là Bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.

Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh Khí Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập. Còn khi đắc đạo mà có Tinh, Khí, không có Thần thì không thế nhập mà hằng sống đặng. Còn có Thần, không có Tinh, Khí thì khó huờn đặng Nhị xác thân. Vậy 3 món báu ấy phải hiệp mới đặng.

Nó vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong Khí Tiên Thiên hằng có điển quang. Cái Chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn Khôn đặng.

Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, Chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng. Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn thần tinh khiết." (TNHT. I. 30)

C.18: Ðộ Chơn thần nhứt vãng nhứt lai, nghĩa là: Cứu giúp Chơn thần của chúng ta mỗi khi đến mỗi khi về, tức là mỗi khi Chơn thần đi đầu kiếp xuống trần hay mỗi khi Chơn thần mãn kiếp trở về cõi thiêng liêng, đều do Ðức Phật Mẫu điều độ.

Câu 19: Siêu thăng phụng liễn qui khai.

Siêu thăng: Siêu là vượt lên trên, thăng là bay lên. Siêu thăng là bay bổng lên Trời. Trong tôn giáo, siêu thăng là linh hồn được giải thoát khỏi các cõi đọa để bay trở về cõi thiêng liêng. (Cõi đọa là cõi Âm quang hoặc cõi trần).

Phụng: Con chim phụng. Liễn: Chiếc xe. Phụng liễn: Chiếc xe trên đó có gắn hình chim phụng. Ở thế gian, Phụng liễn là chiếc xe dành riêng cho Nữ Vương, Nữ Hoàng hay Hoàng Hậu. Ở cõi thiêng liêng, Phụng liễn là chiếc xe Tiên để rước các chơn hồn trở về cõi thiêng liêng.

Qui: Trở về. Khai: Mở ra.

C.19: Khi linh hồn được siêu thăng thì có chiếc xe Tiên mở cửa rước trở về.

Câu 20: Tiên cung, Phật xứ, Cao Ðài xướng danh.

Tiên cung: Cung điện của các vị Tiên, chỉ cõi Tiên.

Phật xứ: Cõi của chư Phật, tức là cõi Cực Lạc Thế Giới, cõi Niết Bàn. Cõi của chư Tiên và cõi của chư Phật được gọi chung là cõi Thiêng liêng Hằng sống.

CAO ÐÀI: Cái Ðài Cao tại Linh Tiêu Ðiện Ngọc Hư Cung, là chỗ ngự của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế mỗi khi có Ðại Hội Triều đình của Ðức Chí Tôn.

Bài thi sau đây giải thích 2 chữ Cao Ðài.

Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Ðài, Ðại hội quần Tiên thử ngọc giai. Vạn trượng hào quang tùng thử xuất, Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai. (Trích bài giáng cơ của Ðức Chí Tôn tại Cần Thơ năm 1927)

Nghĩa là:

Nơi Linh Tiêu Ðiện có một cái tháp gọi là Cao Ðài, Các vị Tiên họp Ðại Hội tại bệ ngọc ấy. Ánh hào quang từ đó chiếu ra xa đến muôn trượng, Tên xưa cảnh quí báu đó là Lạc Thiên Thai.

Trong thời ÐÐTKPÐ, Ðức Chí Tôn lấy tên đài ngự của Ngài làm danh hiệu. Cho nên, khi nói Ðấng Cao Ðài là Ðức Chí Tôn vậy.

Xướng: Hô to lên. Danh: Tên. Xướng danh: Hô to lên tên họ của những người thi đậu để cho mọi người đều nghe biết. Ðó là cái vinh dự cho người thi đậu. Thời TKPÐ, Ðức Chí Tôn lập tại cõi trần nầy một Trường thi Công quả. Ai thi đậu, thì rất vinh hạnh được Ðức Chí Tôn xướng danh.

C.20: Ðức Chí Tôn gọi tên lên để ban thưởng cho về Cung Tiên, Xứ Phật.

21. Hội Nguơn hữu Chí Linh huấn chúng,
22. Ðại Long Hoa nhơn chủng hòa ki. (cơ)
23. Tam kỳ khai hiệp Thiên thi,
24. Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên.

會 元 有 至 靈 訓 眾 大 龍 花 人 種 和 機 三 期 開 合 天 書 科 門 仙 位 遇 期 佛 緣

GIẢI NGHĨA

Câu 21: Hội Nguơn hữu Chí Linh huấn chúng.

Hội Nguơn: Hội là tụ lại, Nguơn là một khoảng thời gian dài. Một Chuyển được phân ra làm 3 Nguơn: Thượng Nguơn, Trung Nguơn và Hạ Nguơn. Quả Ðịa cầu 68 của chúng ta hiện nay đang ở vào thời kỳ cuối Hạ nguơn của Ðệ Tam Chuyển, sắp bước qua Thượng nguơn của Ðệ Tứ Chuyển. Do đó thời kỳ nầy gọi là Hội Nguơn, vì là giao thừa giữa Hạ nguơn Tam Chuyển và Thượng nguơn Tứ Chuyển.

Chí: Rất. Linh: Thiêng liêng. Chí Linh: Rất thiêng liêng, chỉ Ðức Chí Tôn. Huấn: Dạy dỗ. Chúng: Nhiều người.

C.21: Trong thời kỳ cuối Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, có Ðức Chí Tôn đến dạy dỗ nhơn sanh.

Câu 22: Ðại Long Hoa nhơn chủng hoà ki (cơ).

Ðại Long Hoa: Ðại Hội Long Hoa. Long là rồng, hoa là cái bông. Long Hoa là cái cây hình con rồng có trổ bông. Ðức Phật Di-Lạc sẽ đắc đạo tại cội cây Long Hoa nầy, cũng như Ðức Phật Thích Ca đắc đạo dưới cội cây Bồ Ðề.

Ðại Hội Long Hoa là một Hội lớn do Ðức Phật Di-Lạc làm chủ tọa, nhóm dưới cội cây Long Hoa để tuyển lựa người hiền đức. (KÐT: Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị).

Ðại Hội Long Hoa là hội thi chung kết, sau một giai đoạn tiến hóa dài của nhơn loại, để tuyển lựa những bậc hiền lương đạo đức, loại ra những kẻ gian tà hung bạo, thực hiện sự công bình thiêng liêng trong suốt một chặng đường tiến hóa của Vạn linh. Những người hiền lương đạo đức có nhiều công quả giúp đời được thưởng bằng những phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Trái lại, những người hung bạo gian tà sẽ bị chết thảm, linh hồn phải chờ đợi một thời gian dài để loài cầm thú tiến hoá lên làm người, rồi nhập vào mà bắt đầu học hỏi tiến hóa trong một vận hội mới và chuẩn bị cuộc thi mới.

Nhơn chủng: Các chủng tộc của nhơn loại. Hòa: Hòa hợp với nhau. Ki: Thường đọc là Cơ: cái máy, cơ quan.

C.22: Ðại Hội Long Hoa là một cơ quan làm cho các chủng tộc loài người hòa hợp với nhau. (tức là thực hiện Ðại Ðồng trên toàn thế giới).

Câu 23: Tam kỳ khai hiệp Thiên thi.

Tam kỳ: Lần thứ ba, chỉ Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, tức là Ðạo Cao Ðài. Khai: Mở ra. Hiệp: Hợp với. Thiên thi: tức là Thiên thơ hay Thiên thư, là quyển sách của Trời, ghi chép Thiên điều, tức là ghi chép các luật pháp điều hành sự vận chuyển của CKVT, và sự tiến hóa của vạn vật.

C.23: Ðạo Cao Ðài mở ra phù hợp với Thiên thơ tiền định.

"Ðạo Cao Ðài chiếu theo luật Thiên đình, hội Tam giáo, mở rộng mối Ðạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn sanh bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa luân hồi...." (TNHT.I. 18)

Câu 24: Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên.

Khoa môn: Trường khoa cử, trường thi để tuyển chọn người tài giỏi. Tiên vị: Phẩm vị Tiên.

Ngộ: Gặp. Kỳ: Thời kỳ, thời hạn định trước.

Phật duyên: Có mối dây ràng buộc với Phật, có duyên với Phật, tức là có duyên với việc tu hành.

C.24: Trường thi lên phẩm vị Tiên dành cho những người có duyên với Phật gặp được thời kỳ mở Ðạo của Ðức Chí Tôn.

Trong kiếp sanh của chúng ta hiện nay, chúng ta may mắn gặp gỡ thời kỳ Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài, lập một Trường thi Công quả trong sự Ðại Ân Xá, chúng ta cố gắng học tập và lập công quả thế nào để đạt được điểm thật tốt trong Trường thi nầy. Ðây là một dịp may mắn hiếm có, ngàn năm một thuở!

"Ta nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp TKPÐ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi." (TNHT. I. 20)

25. Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã,
26. Phước từ bi giải quả trừ căn.
27. Huờn hồn chuyển đọa vi thăng,
28. Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn chưởng Âm.

中 苦 海 度 船 般 若 福 慈 悲 解 果 除 根 還 魂 轉 墮 為 升 九 仙 回 復 金 盤 掌 陰

GIẢI NGHĨA

Câu 25: Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã.

Trung: Ở giữa, ở trong. Khổ hải: Biển khổ. Ðức Phật ví cõi trần là biển khổ. Chúng sanh sống trong cõi trần như là đang ngụp lặn trong biển khổ đó. Ðạo được ví như một chiếc thuyền để cứu vớt chúng sanh thoát qua biển khổ. Chiếc thuyền Ðạo đó là chiếc thuyền Bát Nhã. Ðộ: Cứu giúp.

Thuyền Bát Nhã: Bát Nhã, do chữ Phạn là Prajnâ, phiên âm ra, nghĩa là Trí Huệ. Trí huệ là sự giác ngộ hiểu biết hoàn toàn sáng suốt về Ðạo lý. Nhờ Trí huệ, con người thoát khỏi Vô minh, mê muội và phiền não. Người tu mà đạt được Trí huệ thì đã đến gần ngôi vị Tiên Phật.

Do đó, cái Trí huệ được ví như một con thuyền, gọi là Thuyền Bát Nhã, để đưa người giác ngộ đi qua biển khổ, thoát khỏi Luân hồi, đến cõi Phật. Muốn có Trí huệ thì phải Tu.

TNHT. I. 122: Tả Thuyền Bát Nhã.

Khuôn thuyền Bát Nhã chẳng hề chìm, Nổi quá như bông, nặng quá kim. Có Ðạo, trong muôn ngồi cũng đủ, Không duyên, một đứa cũng là chìm.

Thuyền Bát Nhã do Ðức Phật Tổ lấy một cánh sen nơi cõi Cực Lạc Thế Giới, rồi dùng lửa Tam Muội làm cho biến hóa mà thành.

Trong thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Di-Lạc Vương Phật , vâng lịnh Ðức Chí Tôn làm chủ Thuyền Bát Nhã, khai Ðại Hội Long Hoa, rước các Chơn hồn đầy đủ công đức vượt qua biển khổ, trở về cõi TLHS.

C.25: Ðức Phật Mẫu đem Thuyền Bát Nhã vào trong biển khổ để cứu giúp nhơn sanh.

Câu kinh nầy có ý nói rằng: Ðức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương, vâng lịnh Ðức Chí Tôn giáng điễn xuống trần, dẫn dắt các vị nguyên căn, mở ra Ðạo Cao Ðài, để cứu giúp chúng sanh tu hành đắc đạo, vượt qua biển khổ, thoát khỏi luân hồi, giống như Ðức Phật Mẫu đem chiếc Thuyền Bát Nhã đến chở chúng sanh vượt qua biển khổ.

Câu 26: Phước từ bi giải quả trừ căn.

Phước: Ðiều may mắn tốt lành. Từ bi: Lòng thương yêu bao la, thương khắp chúng sanh và luôn luôn muốn cứu giúp chúng sanh thoát khổ. Giải: Cởi bỏ đi. Quả: Cái kết quả. Trừ: Làm cho mất đi. Căn: Cái gốc rễ, chỉ tất cả những việc làm không lương thiện trong kiếp trước tạo thành cái Nghiệp ác gây ảnh hưởng xấu lên kiếp sống hiện tại.

Giải quả trừ căn: Giải trừ căn quả, giải trừ là cởi bỏ làm cho mất đi, căn quả là cái kết quả hiện tại do cái gốc ở kiếp trước, tức là cái hạnh phúc hay phiền não hiện nay là kết quả của việc làm thiện hay ác ở kiếp trước báo ứng lại.

C.26: Ðức Phật Mẫu ban phước, và do lòng từ bi, Ðức Phật Mẫu giải trừ căn quả xấu của chúng sanh đã gây ra từ kiếp trước.

Câu 27: Huờn hồn chuyển đọa vi thăng.

Huờn: do chữ Hoàn nói trại ra. Huờn là trả lại. Hồn: Linh hồn. Chuyển: Dời đổi. Ðọa: Bị trừng phạt xuống cõi thấp kém khổ sở. Vi: Làm. Thăng: Siêu thăng.

Huờn hồn: Trong thời kỳ Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn, những người mà trước đây phạm tội nặng với Thiên điều, bị Ngũ Lôi tru diệt, nay được Ðức Phật Mẫu cho huờn trở lại Linh hồn và Chơn thần để sống trở lại.

Chuyển đọa vi thăng: Ðức Phật Mẫu có quyền ân xá tội tình cho những linh hồn bị đọa, nay được siêu thăng.

C.27: Những người trước đây bị Ngũ Lôi tru diệt, nay được Ðức Phật Mẫu cho hườn trở lại Linh hồn và Chơn thần để sống trở lại vì Ðức Chí Tôn đại khai Ân Xá, và Phật Mẫu cũng ân xá những Linh hồn bị đọa lạc nay được siêu thăng.

Câu 28: Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn chưởng Âm.

Cửu Tiên: 9 vị Nữ Tiên nơi Diêu Trì Cung, thường gọi là Cửu vị Tiên Nương. Hồi: Trở về. Phục: Quay lại. Hồi phục: Quay trở về. Chưởng Âm: Chưởng quản khí Âm quang.

C.28: Cửu vị Tiên Nương quay trở về Kim Bàn nơi DTC để giúp Ðức Phật Mẫu chưởng quản khí Âm quang.

Xem tiếp giải nghĩa:

Câu 29-30: Thập Thiên can bao hàm vạn tượng. Tùng Ðịa chi hóa trưởng Càn Khôn.

*

TKPÐ, ÐÐTKPÐ, CKVT,... xin xem "Những chữ viết tắt"

< Hình Bìa >

Soạn giả: Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng. Xuất bản lần thứ nhứt tại Hoa Kỳ Năm 2000.