Cách làm bảng khảo sát

     

Bảng khảo sát là một công cụ để tiến hành thu thập thông tin sơ cấp phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Bạn đang xem: Cách làm bảng khảo sát

Bài viết nhằm giúp các sinh viên có kiến thức nhất định về thiết kế bảng câu hỏi và thu được đầy đủ thông tin trong mỗi cuộc điều tra khảo sát. Bài viết đã tập trung đi sâu phân tích 7 bước cần thực hiện khi thiết kế bảng khảo sát cũng như hình thức và nội dung của một bảng khảo sát. Đồng thời bài viết cũng chỉ ra một số lưu ý cần thực hiện khi thiết kế bảng khảo sát.

Khi thực hiện nghiên cứu khoa học, bảng khảo sát là một công cụ để thu thập thông tin nhằm đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đề ra. Muốn có một kết quả khảo sát tốt nhất, nhất thiết người nghiên cứu phải có một bảng câu hỏi hoàn chỉnh và logic thì đối tượng được phỏng vấn mới hiểu và trả lời một cách chính xác, đúng theo mong muốn của người nghiên cứu. Vậy làm thế nào để có thể thiết kế được một bảng khảo sát tốt? Điều này đòi hỏi người nghiên cứu phải nắm rõ phương pháp thiết kế bảng khảo sát. Để cung cấp cho các sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học rõ hơn về cách thiết kế bảng khảo sát, bài viết sẽ phân tích trình tự các bước tiến hành và một số vấn đề cần lưu ý khi thiết kế bảng khảo sát.

1. Các bước chính thiết kế bảng khảo sát

Bảng khảo sát là tập hợp các câu hỏi được trình bày theo một trình tự nhất định để người được hỏi trả lời dễ dàng và chính xác. Khi tiến hành thiết kế bảng khảo sát, người nghiên cứu cần phải trải qua 7 bước chính sau:

Bước 1: Xác định cụ thể dữ liệu cần thu thập và đối tượng khảo sát căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu. Trong bước đầu tiên này, người nghiên cứu dựa vào câu hỏi: “Chúng ta cần những thông tin gì từ những đối tượng nào để đạt được mục tiêu nghiên cứu?” để liệt kê đầy đủ và chi tiết những thông tin cần thu thập và đối tượng hướng đến. Chẳng hạn như với mục tiêu xác định mối quan hệ giữa khách hàng hiện tại và ngân hàng X, chúng ta cần thu thập thông tin về mức độ hài lòng, mức độ cam kết của khách hàng với ngân hàng X, … Đối tượng khảo sát sẽ quyết định đến cách dùng từ, cách đặt câu hỏi, nội dung câu hỏi. Ví dụ như cách dùng từ cho bảng câu hỏi về thái độ của các giám đốc công ty tài chính đối với thị trường chứng khoán sẽ hoàn toàn khác cách dùng từ cho bảng câu hỏi liên quan đến nhu cầu giải trí của những người đã nghỉ hưu.

Bước 2: Xác định phương pháp phỏng vấn. Có ba phương pháp phỏng vấn chính: phỏng vấn trực diện, phỏng vấn qua điện thoại, và phỏng vấn bằng cách gửi thư/email/câu hỏi điện tử. Đối với mỗi phương pháp khác nhau người nghiên cứu sẽ xây dựng cấu trúc bảng câu hỏi khác nhau. Trong phương pháp phỏng vấn trực diện, đối tượng khảo sát nghe câu hỏi và tương tác trực tiếp với người phỏng vấn, do đó người phỏng vấn có thể sử dụng những câu hỏi dài và phức tạp, đồng thời có thể giải thích nội dung cụ thể của từng câu hỏi để tránh trường hợp đối tượng khảo sát hiểu sai ý câu hỏi. Trong phương pháp phỏng vấn qua điện thoại cũng có sự tương tác giữa người phỏng vấn và đối tượng khảo sát, tuy nhiên đối tượng khảo sát không tiếp xúc trực tiếp với người phỏng vấn nên câu hỏi được sử dụng trong trường hợp này thường ngắn và đơn giản hơn phương pháp phỏng vấn trực diện. Trong phương pháp phỏng vấn bằng cách gửi thư/email/câu hỏi điện tử hoàn toàn không có sự tương tác giữa người phỏng vấn và đối tượng khảo sát, vì vậy câu hỏi được sử dụng cho phương pháp này thường đơn giản, cụ thể và rõ ràng hơn hai phương pháp trước.

*

Bước 3: Xác định nội dung câu hỏi. Nội dung câu hỏi được xây dựng dựa trên những thông tin liệt kê ở bước 1. Mỗi câu hỏi trong bảng khảo sát đều đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu cuối cùng của bài nghiên cứu. Khi đưa một câu hỏi bất kì vào bảng khảo sát người nghiên cứu cần trả lời những câu hỏi sau: “Câu hỏi này có cần thiết hay không?”, “Đối tượng khảo sát có hiểu câu hỏi không?”, “Họ có đủ thông tin/khả năng để trả lời câu hỏi này không?”, “Họ có sẵn lòng trả lời câu hỏi này không?”

Bước 4: Xác định hình thức câu trả lời. Đối với một câu hỏi nhất định, đối tượng khảo sát có thể lựa chọn câu trả lời từ những đáp án đã có sẵn hoặc trả lời bằng chính ngôn ngữ của mình. Tương ứng với hai cách trả lời trên người ta phân ra hai dạng câu hỏi: câu hỏi đóng (ví dụ: Bạn thích nhãn hiệu dầu gội nào nhất sau đây: Clear, Rejoice, Sunsilk) và câu hỏi mở (ví dụ: Bạn thích nhãn hiệu dầu gội nào nhất?). Đối với người nghiên cứu, câu hỏi mở thường khó mã hóa trong quá trình nhập liệu và phân tích, còn đối với đối tượng khảo sát dạng câu hỏi này đòi hỏi họ phải suy nghĩ nhiều hơn để trả lời, do đó dạng câu hỏi này thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu định tính hơn trong nghiên cứu định lượng. Ngược lại, đối với câu hỏi đóng, vì đối tượng khảo sát lựa chọn những đáp án đã được gợi ý sẵn nên họ có thể trả lời rất nhanh mà không phải suy nghĩ nhiều, người nghiên cứu có thể mã hóa và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn. Tuy nhiên đối với câu hỏi đóng, câu trả lời có thể không chính xác do đối tượng khảo sát phải miễn cưỡng chấp nhận những đáp án đã có sẵn, hoặc do thành kiến gây ra bởi cách sắp xếp thứ tự câu trả lời (đối tượng khảo sát có xu hướng chọn đáp án đầu tiên hoặc đáp án cuối cùng, đặc biệt là đáp án đầu tiên)

*

Bước 5: Xác định cách sử dụng từ ngữ. Cách sử dụng từ ngữ trong bảng khảo sát đóng vai hết sức quan trọng trong việc thiết kế bảng khảo sát vì nó ảnh hưởng lớn đến câu trả lời của đối tượng khảo sát. Chẳng hạn, nếu một câu hỏi được diễn đạt không rõ ràng, đối tượng khảo sát có thể từ chối trả lời hoặc trả lời không chính xác. Để đảm bảo đối tượng khảo sát và người nghiên cứu đang cùng nói về một vấn đề, người nghiên cứu cần lưu ý những điều sau: xác định vấn đề chính cần hỏi một cách rõ ràng; sử dụng từ ngữ đơn giản và thông dụng, khi muốn dùng thuật ngữ chuyên ngành cần giải thích cụ thể thuật ngữ đó theo cách dễ hiểu nhất; không sử dụng những từ ngữ mơ hồ (ví dụ: thỉnh thoảng, thường xuyên, …); tránh những câu hỏi mang tính chất gợi ý (ví dụ: Bạn có nghĩ rằng người Việt Nam yêu nước nên mua sản phẩm nhập khẩu cho dù việc này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong nước?); tránh những câu hỏi suy đoán và ước lượng; tránh những câu hỏi có hai câu trả lời một lúc (ví dụ: Sản phẩm X có rẻ và bền không?).

Bước 6: Xác định trình tự và hình thức bảng câu hỏi. Mở đầu bảng câu hỏi cần có phần giới thiệu để đối tượng khảo sát có thông tin tổng quát về bài nghiên cứu. Phần nội dung chính của bảng câu hỏi nên bắt đầu bằng những câu hỏi chung (câu hỏi gạn lọc), sau đó đến những câu hỏi chuyên về những vấn đề cụ thể, và kết thúc bằng thông tin về nhân khẩu học. Mục đích chính của câu hỏi gạn lọc là để lọc ra những đối tượng khảo sát phù hợp với mục tiêu nghiên cứu (ví dụ: Bạn có sử dụng sản phẩm X trong 3 ngày gần đây nhất không? Nếu câu trả lời là “có”, mời bạn trả lời tiếp những câu tiếp theo. Nếu câu trả lời là “không”, xin chân thành cám ơn, bạn có thể dừng khảo sát). Trong phần câu hỏi chính về vấn đề nghiên cứu, các câu hỏi cần được sắp xếp theo hướng tăng dần về mức độ cụ thể và độ khó. Bên cạnh đó, các câu hỏi về những vấn đề nhạy cảm nên được đặt ở cuối cùng. Phần câu hỏi về nhân khẩu học nên đặt ở phần cuối vì đối tượng khảo sát thường có xu hướng cảm thấy không thoải mái và không sẵn lòng cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ.

Hình thức bảng câu hỏi đặt biệt quan trọng nếu người nghiên cứu phỏng vấn bằng cách gửi thư/email/câu hỏi điện tử. Bảng câu hỏi cần được chia thành các phần khác nhau với hướng dẫn cụ thể ở từng phần, đánh số thứ tự rõ ràng, dùng chữ in đậm, in nghiên, màu khác nhau, … để phân biệt giữa hướng dẫn, câu hỏi và câu trả lời.

Bước 7: Phỏng vấn thử và hoàn thiện bảng câu hỏi.

Xem thêm: 20 Bức Tranh Tô Màu Con Bướm Cho Bé, Tranh Tô Màu Con Bướm Cho Bé

Bảng câu hỏi sau khi hoàn thành cần được thử nghiệm để loại bỏ những sai sót (lỗi chính tả, những câu hỏi/thuật ngữ/hướng dẫn khó hiểu, cách dùng từ chưa chính xác,…). Phỏng vấn thử được thực hiện bằng việc phỏng vấn một vài đối tượng khảo sát, thành viên nhóm nghiên cứu, hoặc chủ nhiệm đề tài, …(khoảng 10-15 người). Phương pháp phỏng vấn trực diện cần được áp dụng cho một vài bảng khảo sát (ngay cả khi đây không phải là phương pháp sử dụng khi tiến hành khảo sát thực tế) vì người phỏng vấn vừa quan sát được những phản ứng của đối tượng vừa khai thác thêm được những điểm còn vướng mắc khi đối tượng khảo sát trả lời câu hỏi. Sau khi chỉnh sửa những nội dung cần thiết, bảng khảo sát được dùng để phỏng vấn thử lần thứ hai (sử dụng đối tượng khảo sát khác với lần một) để hoàn thiện lần cuối.

*

2. Một số vấn đề cần lưu ý khi thiết kế bảng khảo sát

Một là, phải thật sự hiểu rõ về đề tài và đối tượng được khảo sát. Như đã trình bày trong bước đầu tiên của thiết kế bảng khảo sát. Khi người nghiên cứu thật sự hiểu rõ đề tài, họ sẽ biết được mình cần loại thông gì. Vì vậy, người nghiên cứu sẽ hỏi những gì mình muốn hỏi qua bảng khảo sát. Mỗi khi đặt câu hỏi cần phải tự hỏi mình “tại sao tôi cần biết điều này?” Câu hỏi có ích/có cần thiết không? Kiểm tra xem liệu có cần hỏi câu hỏi này không và chi tiết cần phải có là gì. Ví dụ có cần thiết phải hỏi tuổi của mỗi em hay chỉ cần số lượng trẻ dưới 16 tuổi? Có cần hỏi thu nhập của người trả lời bảng hỏi hay bạn chỉ cần ước lượng thu nhập? Mặt khác, khi hiểu rõ đối tượng khảo sát, người nghiên cứu sẽ có cách tiếp cận, sử dụng từ ngữ văn phong phù hợp cho bảng khảo sát để đạt được mục tiêu của bảng khảo sát là thu thập thông tin từ các câu trả lời là chính xác nhất và tăng tỷ lệ phản hồi (tham gia trả lời) của đối tượng khảo sát.

Hai là, cách sử dụng từ ngữ, văn phong trong câu hỏi. Cần thẩm định lại câu hỏi có chứa các thuật ngữ khó hiểu hoặc không rõ ràng không? Câu hỏi làm rõ phương án trả lời chưa? Từ ngữ đã tròn trịa chưa? Từ ngữ có mang thành kiến? Có cần làm rõ câu hỏi hơn không? Người trả lời được cung cấp thông tin cần thiết? Nên sử dụng từ ngữ để khiến cho vấn đề trở nên thú vị.

Ba là, cách viết đoạn giới thiệu đầu tiên trong bảng hỏi. Mở đầu nên viết một đoạn giới thiệu về mục đích của cuộc điều tra và các hướng dẫn chung. Đoạn giới thiệu đầu tiên cần cung cấp những nội dung gồm: người tiến hành cuộc khảo sát, cuộc khảo sát bao gồm những chủ đề gì, nêu tính đảm bảo tính bảo mật của thông tin điều tra, cho đối tượng được khảo sát có quyền đồng ý tham gia hoặc từ chối. Ví dụ, có thể đề cập “ý kiến của bạn là rất quan trọng để…” hay “Câu trả lời của bạn sẽ cho phép người tiêu dùng khác …” hoặc “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của bạn nếu chúng tôi định …”

Bốn là, sắp xếp trật tự các câu hỏi. Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với người thiết kế phiếu khảo sát là việc sắp xếp trật tự các câu hỏi. Chủ đề nào giới thiệu trước, chủ đề nào giới thiệu sau? Nếu để câu hỏi quan trọng nhất ở cuối cùng, thì có thể người trả lời đã quá mệt. Nếu để ở trên thì có thể họ lại chưa sẵn sàng (đặc biệt là với câu hỏi khó hoặc câu hỏi tế nhị). Khó có thể giải quyết vấn đề này, người thiết kế cần có các suy xét phù hợp. Cân lưu ý đến các vấn đề sau: Câu trả lời có bị ảnh hưởng bởi các câu hỏi trước đó không? Câu hỏi đặt ở đây có quá sớm hoặc quá muộn để thu hút sự chú ý? Câu hỏi có thu hút được sự chú ý không? Vì vậy, thông thường bố cục một bảng câu hỏi thường bao gồm 5 phần như sau:

– Phần mở đầu: Giải thích lý do, có tác dụng gây thiện cảm để tạo nên sự hợp tác của người trả lời lúc bắt đầu buổi phỏng vấn.

– Phần gạn lọc (Câu hỏi định tính): Có tác dụng xác định và gạn lọc đối tượng được phỏng vấn.

– Phần khởi động (Hâm nóng): Có tác dụng gợi nhớ để tập trung vào chủ đề mà bảng câu hỏi đang hướng tới.

– Phần chính (Câu hỏi đặc thù): Có tác dụng làm rõ nội dung cần nghiên cứu, cần nhấn trọng tâm.

– Phần kết thúc (Câu hỏi phụ): Có tác dụng thu thập thêm thông tin về đặc điểm nhân khẩu học người trả lời (Tuổi tác, nghề nghiệp…)

Trong đó, cần lưu ý vài điểm như sau: đi từ tổng quát đến chi tiết, đi từ dễ đến khó, đi từ hiện thực tới trừu tượng, bắt đầu với các câu hỏi đóng, bắt đầu với những câu hỏi liên quan đến chủ đề chính, không bắt đầu với những câu hỏi về nhân khẩu và cá nhân.

*

Năm là, lưu ý một số khía cạnh về hình thức của bảng khảo sát. Nên sử dụng dạng chữ rộng, rõ ràng, không nên dùng dạng chữ rối mắt. Đừng để các câu hỏi bị ngắt khi sang trang mới. Nếu cần thì nhắc/chuyển câu hỏi và câu trả lời sang trang tiếp theo. Đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho bảng hỏi nếu cần, tiếp đó là câu hỏi. Chú ý phân biệt giữa hướng dẫn với câu hỏi. Về độ dài của bảng khảo sát, hiện không có một thống nhất chung về độ dài tối ưu của bảng câu hỏi. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mục tiêu nghiên cứu, đối tượng cần nghiên cứu, thời gian nghiên cứu… nhưng đa phần người trả lời thường thiếu tập trung đối với những bảng khảo sát quá dài. Cho nên hãy cố gắng không hỏi những câu thừa hay diễn đạt dài dòng.

Bảng khảo sát được xem là hình thức của toàn bộ điều tra xã hội học thực nghiệm. Bảng khảo sát thể hiện nội dung nghiên cứu. Chất lượng bảng khảo sát thể hiện chất lượng của cuộc điều tra. Nếu người nghiên cứu thực hiện tốt các bước cần thiết khi thiết kế bảng khảo sát đã được phân tích sẽ giúp cuộc khảo sát có kết quả chính xác và khách quan nhất. Hy vọng rằng qua bài viết này các bạn sinh viên sẽ nắm chắc các bước cần thiết trước khi bắt tay vào thiết kế một bảng khảo sát và có thể chuẩn bị chu đáo trong tất cả các khâu để có thể hoàn thành tốt các công trình các nghiên cứu khoa học của mình.