Cách cầu nguyện linh ứng

     

Kính bạch Thầy! Năm tới, con dự định xây nhà và chuyển công tác tới một nơi khác. Con nghe người ta có câu: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để nói về các yếu tố thành bại ở đời. Nhân có tốt nhưng thiên địa không ủng hộ thì việc cũng không thành. Bản thân con là một người khá duy tâm. Con được biết chùa Ba Vàng rất linh thiêng, có Chư Thiên, Chư Thần ở đó.Vậy nên bạch Thầy, Thầy cho con hỏi: Con đến chùa nên cầu như thế nào và sắm lễ ra sao để được Phật, thần linh ủng hộ, giúp đỡ các việc mình làm ạ? Con xin Thầy cho con được biết ạ!

Thầy Thích Trúc Thái Minh trả lời:

Kính thưa quý Phật tử!

Trong Phật Pháp, cầu nguyện là thể hiện mong muốn của mình đối với các bậc bề trên như: Phật, các vị Bồ Tát, Thánh Hiền,... Nếu ai cầu nguyện cũng được thành tựu thì chắc rằng sẽ không còn ai phải khổ, không còn ai bệnh tật,... Thế nhưng, không phải ai cũng được thành tựu trong việc cầu nguyện.

Bạn đang xem: Cách cầu nguyện linh ứng

Vậy cầu nguyện như thế nào để được thành tựu?

Để cầu nguyện thành tựu không phải đơn giản, nó cần hội tụ đủ các nhân duyên:

Thứ nhất, đối tượng mình cầu nguyện là ai, người đó có phước báu hay không?

Có người cầu với Phật; có người cầu với Trời; có người cầu với thần như thần sông, thần núi, thần cây,.. ; thậm chí có người còn cầu với quỷ thần, ma xó hoặc con vật như chó đá, ngựa đá rồi ra mồ mả cầu với ma, quỷ,... Chúng ta cầu nguyện với những người thật sự có phước báu, trí tuệ lớn thì chúng ta sẽ được duyên tốt thù thắng. Cho nên, chúng ta là Phật tử, chúng ta cầu nguyện với Đức Phật, các vị Bồ Tát và các vị Thánh nhân, đó là một duyên phước tốt cho chúng ta!

*

Cầu nguyện với những người thật sự có phước báu, trí tuệ lớn thì chúng ta sẽ được duyên tốt thù thắng

Thứ hai, nội dung mình cầu nguyện là gì?

Chúng ta phải xem việc mình cầu nguyện có chính đáng và hợp đạo lý hay không? Nếu chúng ta cầu những điều không đúng đạo lý như cầu đi buôn lậu không bị công an bắt thì Thầy tin là sẽ không có Phật hay Thánh Thần nào phù hộ những việc làm phi pháp như vậy.

Thứ ba, tâm của mình có tha thiết, chí thành hay không?

Người ta thường nói chí thành thì cảm ứng. Nếu chúng ta nhất tâm chí thành, tha thiết nguyện cầu thì cũng thường được những cảm ứng tốt. Còn nếu ta cầu khấn, cầu nguyện với tâm không tha thiết, không thanh tịnh, không nhất tâm thì điều cầu nguyện rất khó được thành tựu.

*

Nếu chúng ta nguyện cầu với tâm tha thiết, chí thành thì thường được những cảm ứng tốt

Thứ tư, khi cầu nguyện có chân thật không?

Chúng ta phải xem mình có chân thật phát nguyện tu tập chuyển hóa những nghiệp xấu ác của mình hay không? Ví như con cái về xin tiền bố mẹ để làm ăn, bố mẹ phải xem việc ấy có chính đáng và con có chân thật tu chí làm ăn hay lại nói dối để cầm tiền đi ăn chơi, bài bạc hay không? Và việc bố mẹ cho tiền con cũng nằm trong phần phước của con cái.

Xem thêm: Lời Bài Hát Đêm Dài Anh Chúc Em Ngủ Ngon, Chúc Em Ngủ Ngon

Thứ năm, thiện căn phước báu của mình có không?

Chư Phật, chư Bồ Tát,…cũng chỉ là tác duyên cho mình. Còn việc mình cầu nguyện không ra ngoài phước báu của mình. Chúng ta không thể đòi hỏi cái gì vượt quá phước báu của mình được. Ví dụ: phước của mình bằng cái chén mà việc mình cầu nguyện để thành công lại cần đến phước báu bằng cái ấm, cái tích thì không thể được. Ngược lại, phước báu to như cái ấm, cái tích mà mình cầu việc cần đến phước báu bằng cái chén thì việc đó rất dễ thành tựu. Cho nên, chúng ta phải tích lũy phước báu đầy đủ từ các thiện căn của chúng ta.

Trong kinh Đức Phật nói rằng chuyện Chư Thiên, Chư Thần hộ trì là có thật nhưng các Ngài hộ trì theo duyên phước của mình, nếu mình vô phước thì cũng sẽ không có ai hộ trì. Ví dụ như có những người ăn xin, ăn mày, ai nhìn thấy cũng bố thí cho; nhưng cũng có những người ăn xin, ăn mày, ai nhìn thấy cũng ghét và không muốn cho. Đó là do phước báu của người ăn xin.

Cho nên, trước khi chúng ta muốn cầu nguyện cái gì, chúng ta nên tích lũy phước báu và chuẩn bị cho các duyên được đầy đủ. Chư Phật, Bồ Tát không thể cho chúng ta quá phước báu của mình. Các Ngài có thể “ứng phước trước” cho chúng ta giống như cho chúng ta vay trước, nhưng đó là khi các Ngài nhìn thấy khả năng hoàn trả được phước của chúng ta, tức là chúng ta phải tu tập tinh tấn, giữ giới làm phước để được hưởng đúng số phước đúng như các Ngài đã “ứng trước”.

Vậy nên, nếu đầy đủ năm yếu tố cần thiết trên, việc cầu nguyện của chúng ta sẽ được thành tựu. Trong tất cả những yếu tố đó, yếu tố cần thiết nhất là tích lũy phước báu. Khi phước báu đầy đủ thì các việc của chúng ta sẽ tự nhiên được thành tựu. Còn nếu mình thật sự không có phước báu hay thiện căn thì cầu mỏi miệng cũng không được. Bên ngoài có những người chuyên đi khấn thuê, kêu thay, lạy đỡ,... họ khấn rất hay, rất giỏi nhưng họ vẫn rất khổ và nghèo. Cho nên, chúng ta thấy việc thành tựu cầu nguyện không phải là do khấn hay, khấn giỏi mà là do phúc báu của chúng ta đến đâu thì chúng ta hưởng đến đó. Vì thế, chúng ta cần tích lũy phước báu đầy đủ để việc cầu nguyện được thành tựu.